Xâm phạm lãnh hải nước ngoài: Biết vẫn làm liều!

22/08/2016, 08:20

BT- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng chủ tàu cá đưa tàu thuyền cùng ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bị các lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, tiêu hủy tài sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá, mà làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Biết rõ điều đó, nhưng nhiều ngư dân vẫn lén lút đưa thuyền viên ra nước ngoài trái phép với nhiều lý do khác nhau. Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ/10 tàu thuyền và khoảng 100 lao động biển xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Đặc biệt gần đây nhất có 10 thuyền xâm phạm lãnh hải nước ngoài bị bắt giữ trong đó tập trung chủ yếu ở vùng biển Indonesia và Malaysia. Các thuyền vi phạm hầu hết ở phường Phước Lộc (thị xã La Gi) và huyện Tuy Phong. Trong số đó chỉ có vài tàu cá và ít lao động được thả về, số phương tiện và lao động còn lại vẫn đang bị nước ngoài bắt giữ. Ngành chức năng không khỏi lo ngại trước một thực tế nguồn lợi hải sản ở biển nước ta ngày càng giảm sút, nên hiệu quả đánh bắt không cao, đời sống của một bộ phận ngư dân không ổn định. Trong khi đó, nguồn lợi hải sản tại vùng biển các nước tiếp giáp còn phong phú, thuận lợi cho việc khai thác, dẫn đến các ngư dân đã cố tình vi phạm chủ quyền vùng biển các nước láng giềng. Mặc dù các nước này xử phạt rất nặng, tàu thuyền, ngư lưới cụ bị tịch thu toàn bộ, thậm chí cho đắm tàu; thuyền trưởng bị phạt tù, thuyền viên bị phạt tiền hoặc bị đưa đi lao động công ích nếu không có tiền nộp phạt, nhưng ngư dân vẫn cứ liều vì lợi ích cá nhân. Giải thích cho sự liều lĩnh này, hầu hết các ngư dân đều cho rằng ngư trường biển Việt Nam đã cạn kiệt. Tàu đi dài ngày, đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, thậm chí đã được Chính phủ bù đắp chi phí dầu, hỗ trợ về mọi mặt nhưng không phải lúc nào tàu của họ cũng đủ phí tổn, chưa kể những hiểm nguy khác. Vì vậy, họ buộc phải chọn con đường đi xa, nếu thuận lợi họ sẽ trúng lớn.

Để chấn chỉnh tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp khai thác thủy sản cho ngư dân, các ngành chức năng cần có chế tài xử lý mạnh đối với những chủ tàu cố tình xâm phạm vùng biển các nước. Bên cạnh đó, phải ra sức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nước. Nên nghiêm cấm và xử phạt nặng tàu thuyền đánh bắt sai quy định về mùa vụ, cũng như các loại phương tiện hủy diệt môi trường, môi sinh và một số loài thủy hải sản. Một khi nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, những con thuyền đi khơi đánh bắt có hiệu quả thì số vụ vi phạm trên biển, tất nhiên sẽ giảm xuống. 

M.V


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm phạm lãnh hải nước ngoài: Biết vẫn làm liều!