Cần 36.190 tỷ đồng để giảm phát thải 1.415,73 ngàn tấn CO2

19/08/2016, 16:20

 BTO - Việt Nam đã, đang triển khai hàng loạt chính sách quốc gia, các hoạt động cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đối khí hậu. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động chung tay góp sức của nước ta với cộng đồng quốc tế. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2016-2020, Bình Thuận sẽ ưu tiên phát triển các chương trình dự án giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm các công trình dự án thuộc lĩnh vực nông- lâm - thủy sản và công nghiệp -năng lượng.

         
   

   

   Ảnh minh    họa

Đối với lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp 

Lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện thông qua phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng phương pháp tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước; hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu  nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nước và điện năng trong tưới tiêu để giảm phát thải khí nhà kính. Bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đẩy mạnh trồng mới và phát triển rừng để mở rộng bể hấp thụ các - bon; có sự lựa chọn chiến lược các khu rừng cho năng suất cao để trồng mới và tăng độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng. Bảo vệ và tái tạo môi trường ven biển thông qua các hoạt động như vệ sinh bãi biển, phổ biến kiến thức về đánh bắt bền vững…

Mục tiêu đặt ra trong nông nghiệp đến năm 2020 cần giảm phát thải khí nhà kính 96 ngàn tấn CO2 trên cơ sở: Chọn giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao (diện tích gieo trồng 5.000 ha); áp dụng chương trình 3 giảm, 3 tăng (5.000 ha); chuyển đổi lúa năng suất thấp qua trồng cây lâu năm (2.840 ha); xử lý phân gia súc bằng hầm khí sinh học (13.700 hầm). Lĩnh vực này bố trí nguồn kinh phí 393 tỷ đồng.

 Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mục tiêu giảm phát thải nhà kính 652,2 ngàn tấn CO2; gồm việc thực hiện các hoạt động như trồng rừng chắn sóng, chắn cát 240 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 10.000 ha. Kinh phí thực hiện 127,61 tỷ đồng. 

Công nghiệp và năng lượng

Nhiệm vụ cần tập trung là thực hiện hiện đại hóa công nghệ để giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, tài nguyên; áp dụng công nghệ các - bon thấp các ngành trọng điểm được xác định. Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng các máy móc chạy điện, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học. Tăng nguồn cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà Bình Thuận có lợi thế so sánh như điện gió, điện mặt trời.

Lĩnh vực này dự kiến kinh phí thực hiện là 35.670 tỷ đồng; mức giảm phát thải khí nhà kính là 667,53 ngàn tấn CO2. Trong đó khu vực dân cư 495,351 tỷ đồng, giảm 15 nghìn tấn CO2 (bao gồm các hoạt động như nâng số hộ gia đình sử dụng bếp củi cải tiến đạt 20%; sử dụng bếp ga LPG tăng 10%; bếp ga sinh học đạt 5% số hộ; sử dụng điều hòa hiệu suất cao đạt 50%, bình đun nước nóng năng lượng mặt trời 100% ở thành thị…);

Lĩnh vực giao thông tập trung vào các hoạt động sử dụng xe buýt điện, xe máy điện và sử dụng nhiên liệu sinh học cho xe máy (kinh phí 39,7 tỷ đồng, giảm phát thải 0,37 ngàn tấn CO2);

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tập trung vào các hoạt động sử dụng đèn LED cho khách sạn, chiếu sáng đường phố và thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời cho khách sạn nhỏ (kinh phí 6,014 tỷ đồng, giảm phát 67,8 ngàn tấn CO2);

Lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào việc sử dụng đèn LED chiếu sáng cây thanh long, đánh bắt thủy sản, tưới nhỏ giọt cho thanh long và sử dụng tuabin sục khí hiệu suất cao trong nuôi trồng thủy sản (kinh phí 1.511,4 tỷ đồng, giảm phát thải 184,76 ngàn tấn CO2);

Lĩnh vực công nghiệp tập trung vào tiết kiệm năng lượng trong đông lạnh hải sản và quản lý năng lượng trong sản xuất công nghiệp (kinh phí 5,74 tỷ đồng, giảm phát thải 7,9 ngàn tỷ tấn CO2);

 Lĩnh vực công nghiệp năng lượng tập trung vào các hoạt động phát triển điện gió nối lưới, điện mặt trời nối lưới, thủy điện nhỏ nối lưới (kinh phí 33.611 tỷ đồng, giảm phát thải 391,7 ngàn tấn CO2).

 Như vậy từ nay đến năm 2020, các chương trình, dự án ưu tiên về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch sẽ giảm phát thải 1.415,73 ngàn tấn CO2, với nguồn kinh phí thực hiện là 36.190 tỷ đồng.Để thực hiện kế hoạch này cần phải ưu tiên các nguồn lực, nhất là tạo cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực từ xã hội, qua đó giúp Bình Thuận chuyển đổi nền kinh tế của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng chất lượng sống của người dân.

T. NAM


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần 36.190 tỷ đồng để giảm phát thải 1.415,73 ngàn tấn CO2