Những mô hình trái ngọt trên đất cát Sông Phan

22/08/2016, 08:14

BT- 1. Tìm về Sông Phan (Hàm Tân) với các mô hình nông nghiệp mới trên vùng đất vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nước trời và các giếng khoan. Trang trại ổi Đài Loan tại thôn An Bình là điểm đến đầu tiên. Đập vào mắt chúng tôi là sự thoáng đãng, sạch sẽ của một trang trại kiểu mẫu. Diện tích 7ha với 7.000 cây ổi lấy giống từ Đài Loan, chủ trang trại vừa thu hoạch xong lứa trái đầu tiên vào cuối tháng 6 vừa qua. Hiện nay đang trong thời kỳ dưỡng cây, bón phân để chuẩn bị cho lứa trái tiếp theo vào tháng 9.

Tìm hiểu thêm mới biết, trước đây mảnh đất này là một vùng hoang hóa, đất đai bạc màu, khô cằn, ít người sống. Với tầng đất dày khoảng 40 - 50 cm, tiếp đến là các lớp sỏi và đến độ sâu khoảng 2m là gặp đá phiến trắng. Vì vậy mà thành phần dinh dưỡng trong đất rất thấp, trong khi việc khoan giếng lấy nước khó khăn mà thường phụ thuộc vào nước trời và các rạch suối nhỏ chảy qua địa bàn. Năm 2013, một thương gia quyết định đầu tư mua đất và nhập giống ổi có nguồn gốc từ Đài Loan về Sông Phan vì nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng tương đối đặc trưng, thích hợp với cây ăn quả. Sau một năm chăm sóc, ổi bắt đầu cho trái. Chị Trần Thị Minh Thoan – Quản gia của trang trại cho biết: Tính trung bình, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 35kg trái/năm, tập trung vào các tháng mùa mưa. Còn các tháng nắng nóng, trang trại phải dưỡng cây vì chưa chủ động được nguồn nước tưới. Hiện với giá bán 13.000 - 15.000 đồng/kg tại vườn, đây được xem là một trong những mô hình nông nghiệp kiểu mẫu của Sông Phan – Hàm Tân.

Không chỉ phát triển 7ha trồng ổi, hiện trang trại còn trồng hơn 1ha khoai mì trên diện tích đất đồi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ước tính có khoảng 10 - 15 công nhân là người địa phương được trang trại tạo việc làm, mùa thu hoạch cao điểm có thể lên hơn 20 người.

 2. Đến với một hộ nông dân khác là anh Bùi Tấn Long với gần 3 sào trồng táo. Quê ở Ninh Thuận, vào định cư tại Sông Phan từ hơn 20 năm qua, anh Long cùng vợ và các con quyết định bỏ lúa để chuyển qua cây táo, vì nhận thấy thu nhập từ nông nghiệp không cao khi chỉ trồng được 2 vụ lúa/năm mà năng suất thấp, chỉ tầm 3,5 – 5 tạ/sào trong khi vẫn phụ thuộc vào nước trời.

Nhà nằm ngay cạnh quốc lộ 1A, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa đã khiến anh và gia đình nảy ra ý định trồng các loại cây ăn quả có thể thu hoạch thường xuyên. Lần tìm về quê hương tại Ninh Thuận, anh Long quyết định trồng 120 cây táo với khoảng cách 6m x 6m, làm giàn leo phủ toàn bộ diện tích vườn và áp dụng mô hình tưới quay để giảm công lao động - cách thức phù hợp với kinh tế hộ gia đình. Trồng từ giữa năm 2014 thì đến đầu năm 2015, giống táo Phan Rang bắt đầu cho thu hoạch. Ước tính cứ 4 tháng cho 1 vụ, sản lượng đạt 5 tấn/ sào. Với giá bán khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg, như vậy một vụ sẽ cho doanh thu hơn 30 triệu đồng, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Không ngừng ở 2 sào đã trồng táo được hơn 2 năm, hiện gia đình anh Long tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 80 gốc trên diện tích hơn 1 sào và được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt. Với chi phí khoảng 25 triệu đồng/sào, việc ứng dụng cách thức tưới nhỏ giọt sẽ rất tiết kiệm nguồn nước, đặc biệt trong mùa nắng hạn thường diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau.

Trao đổi với UBND xã Sông Phan, chúng tôi được biết cây mì (khoảng 1.600ha), bắp và thanh long là 3 loại cây trồng chủ lực của địa phương, ngoài ra còn có 90ha điều, 27ha cao su, 180ha chuối, hơn 800ha keo lá tràm cùng một số ít diện tích cây xà cừ, ca cao, tiêu, mủ trôm, xoài, mía, mít… Trong chăn nuôi, Sông Phan hiện có tổng đàn gia súc hơn 7.000 con với đàn heo, bò, dê và trâu. Trong khi dịch bệnh và nắng nóng đã khiến đàn gia cầm bị giảm mạnh, hiện chỉ còn hơn 15.300 con trong khi chỉ tiêu phát triển tổng đàn gia cầm của Sông Phan là gần 27.000 con.

“Trên thực tế, nông nghiệp tại Sông Phan vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên đặc thù và chưa chủ động được nguồn nước tưới”,  ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Sông Phan chia sẻ. Hiện địa phương có công trình hồ chứa nước Sông Phan nằm cách trung tâm xã khoảng 6 km cùng hệ thống gần 15km kênh nước cấp 1, rộng khoảng 6m đang được thi công nhằm hướng đến việc gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân, giảm bớt tình trạng hạn hán cục bộ vào các tháng cao điểm nắng hạn. Việc quy hoạch các loại cây trồng, phát triển đàn gia súc, gia cầm cũng cần phải được tính kỹ, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

H.Đ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những mô hình trái ngọt trên đất cát Sông Phan