Phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long: Cần đồng loạt ra quân làm vệ sinh vườn

19/08/2016, 16:26

BTO - Sáng 18/8,  ông Phạm Văn Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, nghe các địa phương trồng thanh long báo cáo tình hình triển khai phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật  tỉnh, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu hiện nay của toàn tỉnh là 6.484 ha, trong đó nhiễm nhẹ 5.224 ha, nhiễm trung bình 1.048 ha và nhiễm nặng 212 ha. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh ở huyện Hàm Thuận Bắc 2.353 ha, Hàm Thuận Nam 3.153 ha, Bắc Bình 760 ha, Hàm Tân 20 ha, thị xã La Gi 182 ha, Tuy Phong 4 ha và Tp. Phan Thiết 12 ha. Từ tháng 5/2016 đến nay, thời tiết mưa nhiều xen kẽ với nắng nóng, đây là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển và gây hại mạnh trên các vườn thanh long. Dự báo trong thời gian tới, trời tiếp tục có mưa, ẩm độ không khí cao, bệnh đốm nâu trên cây thanh long có xu hướng sẽ gia tăng cả về diện tích bị nhiễm và mức độ thiệt hại.

         
   

         

            Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam phát biểu chỉ đạo.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức 193 lớp tập huấn với 7.677 nông dân tham dự, phát 10.893 tờ rơi, tài liệu. Treo 8 băng rôn về phòng chống bệnh đốm nâu và thu được hơn 60 tờ cam kết về việc không vứt cành trái thanh long bị bệnh ra nơi công cộng.  Toàn tỉnh đã làm vệ sinh vườn, xử lý cành, trái bị bệnh được 15.310 lượt ha với 2.067,5 tấn cành trái thanh long được thu gom và tiêu hủy. Lũy kế từ đợt cao điểm đến nay, diện tích vườn thanh long được vệ sinh là 36.565 lượt ha với 11.703,5 tấn cành được thu gom, tiêu hủy.

Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, sở ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay các sở, ngành và địa phương trồng thanh long tiếp tục triển khai các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, vận động người trồng thanh long làm vệ sinh vườn, thu gom cành bị bệnh ủ bằng chế phẩm và vôi... Tuy nhiên, so với yêu cầu, việc chỉ đạo triển khai của cấp huyện, cấp xã một số nơi chưa tốt, công tác tuyên truyền chưa sâu kỹ và thường xuyên, liên tục. Nhiều hộ dân trồng thanh long còn tâm lý chủ quan... Về một số biện pháp tập trung triển khai trong thời gian tới, ông Phạm Văn Nam yêu cầu các địa phương cần xác định công tác phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long là nhiệm vụ trọng tâm; phải thường xuyên chỉ đạo với mục tiêu đẩy lùi diện tích bị nhiễm bệnh đốm nâu. Ông Phạm Văn Nam nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động theo tổ thanh long VietGAP, theo nhóm hộ để khoanh vùng;  vào ngày 25/8 tới, các địa phương  đồng loạt tổ chức đợt tổng ra quân làm vệ sinh vườn, thu gom cành, trái bị nhiễm bệnh đốm nâu để ủ, tiêu hủy bào tử nấm và áp dụng tốt các biện pháp bón phân, tưới nước, né chồi, lấy chồi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ phòng trừ bệnh đúng cách theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nắm rõ các quy trình, biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh theo đúng quy định và tự giác thực hiện một cách đồng loạt để tiêu diệt bệnh đốm nâu; tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát xử lý kịp thời các trường hợp quảng cáo, bán thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long không đúng quy định, không đảm bảo chất lượng..

K. Hằng- N. Hân


Related articles

(0) Comments
Focus
Mỹ Thạnh… đợi mưa về!
Tháng 4, Sông Bà Bích cạn. Con sông này giờ chỉ là vũng nước nhỏ đọng lại để có thể dùng dấu tích một dòng sông,.. Dưới cái nắng của vùng đất cực Nam Trung bộ mùa này, quanh khu vực Mỹ Thạnh không khí luôn gay gắt, khô khốc. Những vườn thanh long đang thiếu nước cong rũ cành. Con đường nhựa độc nhất trước mặt đang bốc hơi nóng phả rát mặt người.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long: Cần đồng loạt ra quân làm vệ sinh vườn