An toàn vệ sinh thực phẩm: Nhiều vi phạm qua kiểm tra

29/08/2016, 08:49

BT- Đánh giá mới nhất của Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho thấy, dù đã siết chặt quản lý nhưng điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là ý thức của người tiêu dùng trước sức khỏe của mình. Bởi lẽ, thủ đoạn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố ngày càng tinh vi hơn...

                
Lấy mẫu xét nghiệm tại một số cơ sở sản    xuất, kinh doanh.

Siết chặt quản lý

Theo Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trong lĩnh vực y tế, từ năm 2010 đến nay, đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.665/2.131 cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh (đạt tỷ lệ 78%). Trong 7 tháng năm 2016, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 391 cơ sở. Đối với lĩnh vực nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được 328 cơ sở. Tính đến nay, ngành nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 2.122/3.428 cơ sở quản lý (đạt tỷ lệ 61,9%). Cũng trong hoạt động này, ngành công thương đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 36 cơ sở, nâng số lượng cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên 105/2.233 cơ sở.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống và nhu cầu kinh doanh mua bán chạy theo lợi nhuận ngày càng tăng, thì việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện gắt gao hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 3.917 cơ sở, phát hiện 1.329 cơ sở vi phạm (34%), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 289.750.000 đồng. Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành y tế, có những phát hiện đáng kể, đã kiểm tra 3.426 cơ sở, phát hiện 1.028 cơ sở vi phạm (30%), xử phạt vi phạm hành chính 152.950.000 đồng. Trong đó, nước uống đóng chai và nước đá đoàn kiểm tra của tỉnh và các địa phương đã kiểm tra 183 cơ sở, phát hiện 45 cơ sở vi phạm (24,5%), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40.600.000 đồng. Dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố đã kiểm tra 3.236 cơ sở, phát hiện 983 cơ sở vi phạm (30,4%), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 112.350.000 đồng. Ngành nông nghiệp thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất 301 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 61 cơ sở, nhiều cơ sở bị nhắc nhở hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cụ thể, sản phẩm rau, quả thanh tra 36 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở/242 triệu đồng. Đồng thời tiêu hủy số lượng tang vật gồm 93,25 kg hóa chất, phụ gia các loại và giá đỗ thành phẩm; 227 ống hóa chất (trong đó có 214 vỏ ống) cùng 13 chai hóa chất (trong đó có 8 vỏ chai); đình chỉ hoạt động sản xuất 6 cơ sở... 

Nguy cơ còn nhiều

Mặc dù ngành chức năng siết chặt thanh, kiểm tra, nhưng rõ ràng vẫn xảy ra những trường hợp ngộ độc thực phẩm. Trong vòng 2 tuần (từ ngày 18/7/2016 đến ngày 31/7/2016) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 137 người đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…Vụ thứ nhất, xảy ra vào lúc 19 giờ ngày 18/7/2016, khi đoàn  khách du lịch của Công ty cổ phần Sài Gòn Food do Công ty Rồng Việt Travel tổ chức nghỉ dưỡng tại Hàm Tiến ăn tối tại Khách sạn Sealinks với số lượng người ăn là 820, làm cho 87 người mắc.Vụ thứ hai xảy ra vào lúc 12 giờ 40 phút ngày 24/7/2016, rơi vào đoàn  khách du lịch của Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ do Công ty TNHHTMDV và Du lịch Sen Đại Việt tổ chức nghỉ dưỡng tại Hàm Tiến, ăn trưa tại Công ty TNHH TMDV-DL quảng cáo Cánh Buồm Vàng với số lượng người ăn là 55, có 18 người mắc. Vụ thứ ba, xảy ra vào lúc 18 giờ ngày 29/7/2016,  do Sài Gòn Travel tổ chức tham quan du lịch tại Phan Thiết có ăn tối tại Nhà hàng Minh Thùy (KP 15 đường Huỳnh Tấn Phát ở Mũi Né (Phan Thiết) với số lượng người ăn là 416, có 32 người mắc.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, dù đã triển khai đầy đủ theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nhưng lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến huyện và xã đa số còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là cán bộ kiểm tra an toàn thực phẩm cấp xã đa số là không chuyên trách. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm đã được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chuỗi sản xuất thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn đã được triển khai nhưng chưa nhiều, số lượng kiểm soát thấp. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông, thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.

Hiện nay, điều kiện giết mổ, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây ô nhiễm sản phẩm thịt từ kết quả giám sát thịt tại cơ sở giết mổ, tại các chợ. Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn và khó kiểm soát. Phần khác do sự nhận thức, sự chủ quan của người dân trong việc sử dụng thực phẩm có chứa các độc tố tự nhiên gây chết người. Chính vì vậy mà công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn của các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến thức ăn cũng tinh vi hơn nhiều. Vấn đề chính là ý thức người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình trước bệnh tật, trước các nguồn thực phẩm bẩn.

Quang Nhân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn vệ sinh thực phẩm: Nhiều vi phạm qua kiểm tra