Xã hội hóa nghề rừng

30/08/2016, 09:21

BT- Một trong những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đó là tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho các hộ dân sống gần rừng gắn với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

                
Lực lượng bảo vệ rừng Khu BTTN Tà Cú chữa    cháy rừng.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 311.000 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 286.900 ha, rừng trồng hơn 23.800 ha. Với vốn rừng hiện có, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong đó, việc đưa vào thành lập vận hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMTR có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn thu từ DVMTR tỉnh 5 năm qua là 68,8 tỷ đồng, chính việc huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần đáng kể việc đầu tư bằng kinh phí ngân sách của tỉnh. Đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng, đặc biệt là các hộ nhận khoán tham gia trực tiếp bảo vệ rừng.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tính đến cuối năm 2015 diện tích rừng toàn tỉnh đủ điều kiện cung ứng DVMTR đã triển khai thực hiện là 76.000 ha, trong đó chủ rừng là tổ chức nhà nước là 75.535 ha, chủ rừng không thuộc nhà nước là 480 ha. Toàn tỉnh có 14 đơn vị đủ điều kiện cung ứng DVMTR gồm 8 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, 1 đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên, 2 công ty lâm nghiệp và 3 đơn vị chủ rừng không thuộc nhà nước. Các đơn vị nằm trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh. 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức cho 11/20 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước và 3 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc nhà nước có đủ điều kiện cung ứng DVMTR. Theo đó, có khoảng 40% trên tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng toàn tỉnh được chi trả bằng nguồn DVMTR góp phần giảm gánh nặng chi bằng nguồn ngân sách tỉnh. Chi trả tiền DVMTR ở 3 lưu vực gồm: lưu vực thủy điện Hàm Thuận Đa Mi, thủy điện Hồ Trị An và thủy điện Bắc Bình. Đồng thời tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế có 1.287 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán. Ngoài chi cung ứng DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng còn được hưởng khoản tiền cung ứng DVMTR từ số diện tích đơn vị quản lý. Từ nguồn kinh phí này sẽ chi đầu tư thêm cho công tác chống phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức các đợt kiểm tra truy quét góp phần giảm đáng kể tình hình phá rừng, cháy rừng xảy ra trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay việc huy động các nguồn lực xã hội từ các đơn vị có sử dụng DVMTR để đóng góp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Khó khăn trong việc kết hợp cùng các chính sách khác của Nhà nước về chế độ hưởng lợi cho đối tượng làm nghề rừng vẫn chưa có. Từ đó, chưa tận dụng được những điều kiện mà nguồn lực xã hội sẽ mang lại để góp phần thúc đẩy tốt việc thực hiện chính sách xã hội hóa nghề rừng, tạo điều kiện để người làm nghề rừng cũng như các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện sinh kế và gắn bó với rừng.

Thanh Duyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã hội hóa nghề rừng