Tôm giống Bình Thuận: Đừng để “rớt hạng”!

29/08/2016, 08:36

BT- Khi nhắc đến tôm giống, người nuôi trồng thủy sản sẽ nghĩ ngay đến Bình Thuận, vùng sản xuất tôm giống tập trung cung cấp khoảng 60% tôm giống cho thị trường cả nước. Được xác định là một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh, tôm giống Bình Thuận từng được đánh giá có chất lượng tốt nhất với tỷ lệ nuôi thành công cao. Tuy nhiên, thị trường này đang đối mặt với nhiều thách thức.

                
Đong post tại Công ty TNHH Đầu tư thủy sản    Nam Miền Trung. Ảnh: Q.T

Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”?

Từ đầu năm đến nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình nuôi trồng thủy sản ở Bình Thuận nói chung và huyện Tuy Phong nói riêng, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng. Các hộ nuôi ở huyện Tuy Phong phơi hồ khá nhiều, thu hẹp diện tích nuôi nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro khi nhiều lứa tôm chậm lớn, chết dần. Do đó, nhu cầu con giống cũng giảm sút hẳn. Theo đánh giá của các doanh  nghiệp sản xuất tôm giống trong tỉnh, đơn hàng tôm post từ các tỉnh miền Tây đã giảm đáng kể so những năm trước. Để kích cầu, nhiều doanh nghiệp tung ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn với hy vọng người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi khi mùa mưa đến. Bên cạnh đó, cũng dẫn đến tình trạng thu gom giống tràn lan bất chấp có chất lượng hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, thị trường tôm giống ở tỉnh đang xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Có những công ty không có cơ sở sản xuất giống nhưng vẫn có giống bán tràn lan trên thị trường. Rồi tôm giống của cơ sở này khi xuất bán lại đóng gói bao bì, nhãn mác của công ty khác… Làm thị trường tôm giống như mớ bòng bong, không tài nào kiểm soát nổi. Chưa kể nhiều cơ sở sản xuất sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ, dẫn đến tôm chậm lớn, nhiều bệnh, ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như chất lượng chung của vùng tôm giống Bình Thuận”. Có thể thấy ngành chức năng đang bỏ ngỏ kiểm soát chất lượng con giống và người nuôi buộc phải tự bơi, lựa chọn con giống dựa vào cảm tính là chính.  

Để giữ thương hiệu

Toàn tỉnh có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản/683 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân – huyện Tuy Phong. Qua các năm các cơ sở sản xuất bắt đầu nâng cấp và mở rộng quy mô, các cơ sở đều chú trọng công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh, chất lượng cao, không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu sử dụng các loại men vi sinh. Nhiều doanh nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc lai tạo, nhân giống tôm nước lợ và sản xuất được nguồn tôm bố mẹ. Tập đoàn Việt Úc từ tháng 6/2015 đến nay đã chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng trong nước thế hệ G3, được công nhận giống thủy sản mới. Mỗi năm tập đoàn này sản xuất từ 5.000 – 10.000 con tôm bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm giống. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của công ty, buộc công ty vẫn phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Ngoài ra, thông tin Công ty CP – Thái Lan đã ngưng bán tôm thẻ chân trắng bố mẹ cho Việt Nam đã gây khó khăn và khan hiếm nguồn tôm bố mẹ phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý về nguồn gốc tôm, sản xuất và thương mại… đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống cho rằng, việc sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc thậm chí tận dụng tôm nuôi dưới ao làm tôm bố mẹ là nguyên nhân chính gây dịch bệnh trên tôm trong thời gian qua. Gần đây, nhiều nhân viên tiếp thị còn đến tận hồ chào mời giống có nguồn gốc không rõ ràng với giá rẻ kèm theo nhiều hậu mãi, khuyến mãi khiến thị trường tôm giống càng bất ổn.

Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong tỉnh cho rằng, để tôm giống Bình Thuận giữ vững thương hiệu, không bị “rớt hạng”, các ngành chức năng cần sớm hình thành vùng sản xuất giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp cho các doanh nghiệp lớn. Tại hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tổ chức tại Phan Thiết vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: “Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của nước ta, tuy nhiên con tôm Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh. Công tác quản lý nhà nước từ tổ chức, kiểm soát, phối hợp với chủ thể quản lý, chủ thể sản xuất còn nhiều hạn chế. Do đó, bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp sản xuất tôm giống không chỉ nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; mà cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát từ con giống, có biện pháp mạnh xử lý các hành vi gian lận thương mại, phá hoại, tiêm chích dung môi… gây ảnh hưởng chất lượng con giống. Tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước chất lượng cao, sạch bệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nuôi tôm bền vững…

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôm giống Bình Thuận: Đừng để “rớt hạng”!