Sân bay Phan Thiết: Hướng đến việc đón máy bay nhóm E thay vì nhóm C

26/08/2016, 09:18

BT- Trước hết, không phải xây dựng sân bay 2 chặng, thứ hai chủ động đón được các máy bay nhóm E đến từ nhiều nước xa như Nga, các nước châu Âu sớm nhất có thể...

                
Các đồng chí lãnh đạo bấm nút khởi công sân    bay Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa

Sân bay nhóm C hay E?

Giữa tháng 8/2016, UBND tỉnh đã  gởi công văn cho Bộ Giao thông Vận tải về việc xem xét cho phép đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch sân bay Phan Thiết đến giai đoạn 2030. Đề nghị Bộ thống nhất quy hoạch sử dụng đất toàn bộ dự án là 542 ha trong giai đoạn đến năm 2020 cũng như thực hiện ngay trong thời gian này một số hạng mục với quy mô được xác định trong Quy hoạch giai đoạn 2020 - 2030, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ máy bay nhóm E. Điều này khác lúc ban đầu. Theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải tại Quyết định số 3216/2013, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4C - sân bay quân sự cấp 1. Trong giai đoạn đến năm 2020, diện tích đất sử dụng là 360 ha, đường cất hạ cánh  dài 2.400m, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay nhóm C, tức đường bay ngắn dưới 2.000km, loanh quanh trong nước hoặc xa hơn chỉ vùng Đông Nam Á với lưu lượng hành khách giờ cao điểm khoảng 300 hành khách, tương đương 500.000 hành khách/năm và lượng hàng hóa 10.000 tấn/năm. Còn giai đoạn đến năm 2030, toàn diện tích 542 ha đất sẽ được đưa vào sử dụng, đường cất hạ cánh cho phép  kéo lên 3.050m. Lúc này, sân bay Phan Thiết đạt tiêu chuẩn đón máy bay quốc tế đến từ những nước cách xa có chiều dài bay trên 2.000 km như Nga, hay các nước châu Âu…, tức tàu bay nhóm E. Song song đó, sức chứa hành khách của sân bay lên 500 hành khách vào giờ cao điểm, tương đương 1 triệu khách/năm, đồng thời lượng hàng hóa cũng tăng lên 40.000 - 50.000 tấn/năm.

Điều đó có nghĩa ngay thời điểm đầu này, UBND tỉnh Bình Thuận sau khi nghe ý kiến cũng như mong muốn của các nhà đầu tư đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép xây dựng sân bay Phan Thiết đạt tiêu chuẩn đón máy bay nhóm E, tức có thể chủ động đón được những chuyến bay xa lẫn những chuyến bay gần, thay vì chỉ những chuyến bay dưới 2.000km. Có thể nói đây là phương án tốt nhất trong bối cảnh người người cân nhắc trong lựa chọn phương tiện này và cả với tình hình phát triển hiện giờ ở tỉnh. 

Điểm yếu và yếu điểm

Thông tin sân bay An Giang bị loại khỏi danh mục đầu tư trong mấy ngày qua là thêm một minh chứng cho thấy việc sân bay Phan Thiết được chấp thuận xây dựng xuất phát từ tính cấp thiết của nó. Ngoài yếu tố Bình Thuận  có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, sân bay Phan Thiết được xây dựng còn vì nhiều lý do khác quan trọng không kém là phát triển kinh tế biển, phục vụ dịch vụ dầu khí, thực hiện chương trình biển Đông - Hải đảo... cho cả khu vực. Đó là chuyện những năm sau này, còn hiện tại người dân trong tỉnh có thể hình dung rất rõ việc đi lại của mình và của du khách thuận lợi ra sao, nhất là khi sân bay Phan Thiết có thể đón máy bay nhóm E, hoạt động.

Nhiều năm trước, du lịch Hàm Tiến - Mũi Né đã đón những du khách đến từ nhiều nước ở rất xa bên kia bán cầu như Anh, Úc, Mỹ... Họ phải  đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi đi thêm 200km  đường bộ tới Phan Thiết. Để rút ngắn thời gian cũng như thu hút các khách đến, nhất là khách Nga, Bình Thuận vui cùng niềm vui của Khánh Hòa, khi sân bay Cam Ranh hoạt động. Chặng đường này ngắn hơn và ít bị kẹt xe hơn chặng từ TP. HCM ra, nhưng nhìn chung Bình Thuận  vẫn “cách trở” về chuyện đi lại. Vấn đề chính chỉ vì chưa có sân bay. Tuy nhiên, nếu  có sân bay nhưng chỉ đón máy bay đường bay ngắn dưới 2.000km thì cũng không giải quyết hết vấn đề phát triển đặt ra. Và chỉ riêng lĩnh vực du lịch cũng đã lý giải rõ về nguyện vọng muốn nâng tầm cao sân bay Phan Thiết.

Vả lại, đến thời điểm này, khi khu bay quân sự, khu hàng không dân dụng đã rõ ràng hình thức đầu tư cũng như những công việc khác như lựa chọn nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... thì diện tích đất đủ điều kiện giao đã được hơn 448 ha. Theo phân tích của Sở Giao thông Vận tải, nếu vào quý IV năm 2016 khởi công công trình, thì việc xây dựng cũng gần cuối 2020 nên nếu được chấp thuận cho đầu tư sân bay nhóm E thì rất thuận lợi. Trước hết, không phải xây dựng sân bay 2 chặng, thứ hai chủ động đón được các máy bay nhóm E đến từ nhiều nước xa như Nga, các nước châu Âu sớm nhất có thể. Khi đạt điều này, sân bay Phan Thiết mới thực chất giúp Bình Thuận cất cánh.

Bích Nghị


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sân bay Phan Thiết: Hướng đến việc đón máy bay nhóm E thay vì nhóm C