Làm gì để bảo vệ và cải thiện môi trường?

30/08/2016, 08:43

BT- Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo, trong các hội nghị, hội thảo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân; trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước và khí thải đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không nói đâu xa, ở Bình Thuận tình trạng ô nhiễm môi trường cũng hiển hiện rất rõ với nhiều sự cố nghiêm trọng đã và đang xảy ra như Nhiệt điện Vĩnh Tân, sản xuất muối Thông Thuận, khai thác khoáng sản titan ở các địa bàn ven biển, chăn nuôi heo ở Hàm Tân, chế biến hải sản Phú Hài, rác thải ở sông Cà Ty và vùng ven biển Hàm Tiến - Mũi Né… trong đó có nhiều vụ gây bức xúc dẫn đến phản đối quyết liệt của người dân.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững. 10 năm trước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 41 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp đến ngày 21/1/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 29 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị. Mới đây nhất, ngày 24/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cũng đã khẳng định: Chính phủ kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp cứng rắn để khắc phục vấn đề môi trường đã và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Điều đó cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống, sức khỏe nhân dân.

Cùng với cả nước trong công cuộc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, Bình Thuận đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020: Có trên 98% hộ dân sử dụng nước vệ sinh, 65% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 93 - 94% chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý; 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%; có 50% số xã đạt nông thôn mới; 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo và quản lý thống nhất của chính quyền các cấp cũng như sự tham gia của tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, cần xác định những vấn đề ưu tiên, trọng tâm và cấp bách để xử lý, giải quyết. Thực hiện  giao chỉ tiêu và xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đối với các sở ngành, các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các thôn, khu phố cũng như các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm xá, khu du lịch, chợ, nhà văn hóa, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…

Để có nguồn lực cho bảo vệ môi trường cần tăng dần mức chi ngân sách nhà nước qua từng năm cùng với đẩy mạnh xã hội hóa trên cơ sở ban hành các chính sách và có cơ chế ưu tiên nhằm thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”.

Thực hiện việc điều tra, phân loại, đánh giá và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thải, chú ý các nguồn thải lớn. Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường tại các khu đô thị, khu du lịch, làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất chế biến hải sản, lưu vực sông, ven các bãi biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Xử lý cải tạo các khu vực ô nhiễm; rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao để có kế hoạch xử lý khắc phục. Chú trọng tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Công bố công khai các cơ sở gây ô nhiễm; biểu dương khen thưởng kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay về bảo vệ môi môi trường. Quản lý chặt việc khai thác các nguồn khoáng sản và thực hiện việc phục hồi môi trường sau khai thác, bảo vệ môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

H.L


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để bảo vệ và cải thiện môi trường?