5 giải pháp đẩy lùi tội phạm

30/08/2016, 10:42

BTO- Báo chí đã phản ánh đậm nét tâm lý lo lắng, bất an của người dân trước tình hình tội phạm diễn biến ngày càng dã man, hung hãn và manh động. Liên tục xảy ra các vụ giết nhiều người trong một gia đình, đối tượng gây án đều còn trẻ, nhưng hành vi gây án rất chuyên nghiệp, dã man, tàn độc. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng đáng báo động, 5 năm qua (2011 – 2015), trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư. Nhức nhối nhất là trong đó có khoảng 15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.

Xét xử vụ bắt cóc, giết người ở Tuy Phong

Ở Bình Thuận tình hình tội phạm từng lúc, từng nơi tiềm ẩn nhiều phức tạp, tuy không tồn tại băng, nhóm hoạt động có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, nhưng vẫn tồn tại một số băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, gây ra nhiều vụ án rất nghiêm trọng.

Nổi lên là một số tội phạm như: bắt cóc - giết người – tống tiền, giết – cướp tài sản, hiếp – cướp, trộm cắp, cướp giật tài sản tính chất ngày càng manh động, táo tợn hơn. Tội phạm sử dụng các loại hung khí nguy hiểm gây án có xu hướng gia tăng. Tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn tái diễn.

Đặc biệt tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên là rất đáng báo động. Nhiều băng – nhóm thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí như mã tấu đâm chém nhau, nhiều vụ dẫn đến giết người. Tình trạng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ diễn ra ở nhiều địa phương.

Đáng lo ngại nữa là tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, cần sa giảm, nhưng hêrôin, ma túy tổng hợp tăng, xuất hiện nhiều loại ma túy mới. Các loại tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, cá độ… khá phổ biến, không chỉ ở thành thị mà còn lan rộng đến các vùng quê.

Bắt một vụ mua bán ma túy

Đồng thời, các loại tội phạm về môi trường ở Bình Thuận những năm gần đây cũng diễn ra nghiêm trọng ở hầu hết lĩnh vực như:  khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hủy hoại nguồn lợi thủy sản… các vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại gia tăng.

Kinh tế phát triển mà tội phạm hoành hành, nhân dân thấp thỏm, lo sợ, bất an thì cũng không ý nghĩa gì, thà rằng nghèo một chút nhưng có cuộc sống bình an, hạnh phúc vẫn hơn – Đó là quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một hội nghị về phòng chống tội phạm. Tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến 2030.

Ở Bình Thuận, để đẩy lùi tội phạm, giữ cuộc sống bình yên cho dân, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh lên kế hoạch thực hiện Chiến lược trên, gồm 5 nhóm giải pháp như:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tình hình tội phạm kéo dài, lộng hành, hoặc bao che cho tội phạm.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm của hệ thống chính trị và cộng đồng.

Nâng cao hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Tăng cường nguồn lực phòng, chống tội phạm

Tăng cường hợp tác Quốc tế phòng, chống tội phạm.

Đ.D


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 giải pháp đẩy lùi tội phạm