Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 quá chậm khởi công xây dựng: Chủ đầu tư thiếu năng lực

30/08/2016, 09:00

Thực trạng khu công nghiệp “treo”

BT- Cách đây chưa lâu, con đường Suối Son từ ngoài quốc lộ 55 dẫn vào Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân) đã được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đầu tư rải nhựa, thông thoáng đi lại dễ dàng, phục vụ cho khu kinh tế này đã quy hoạch hơn 10 năm nay. Mới đây chúng tôi trở lại nơi đây nhưng hai bên đường trải dài 5 km của khu công nghiệp (KCN) chỉ nhìn thấy những bãi mì xanh ngắt xen lẫn những vườn keo lá tràm xanh tốt. Anh Nguyễn Ngọc Châu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Mỹ cho hay: “Hàng chục ha đất đã được giải tỏa đền bù xong lâu nay, không thấy chủ dự án động tĩnh gì, vào mùa mưa hàng năm chủ sử dụng cũ tranh thủ trồng mì, còn không bỏ hoang; cùng những thửa đất có sẵn keo non trước đây bà con chăm sóc thêm cho cây lên tốt mong thu hoạch”. Chúng tôi cũng còn nhìn thấy vài thửa đất ven đường keo non vừa bám rễ lên xanh… Xuôi theo con đường Suối Son về phía biển thuộc khu công nghiệp này, còn hơn 100 căn nhà xây cấp 4, nhà mái tôn của người dân xóm 3, thôn 3 hành nghề đánh bắt hải sản, làm nông thuộc diện quy hoạch, xã đã có thông báo thu hồi đất nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù… còn nằm chờ. Ông Trần Văn Hường sinh sống trong căn nhà tạm, mái tôn đã xuống cấp từ lâu bức xúc nói: “Chúng tôi không xây mới được vì nằm trong quy hoạch KCN… không biết chờ đến bao giờ!".

                
Đường nhựa vào KCN Sơn Mỹ 1 đã thông    thoáng.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, dự án KCN Sơn Mỹ 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị & KCN Việt Nam (IDICO) thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 11/5/2010. 2 năm sau, IDICO mới bắt đầu triển khai công tác đền bù giải tỏa. Trải qua hơn 6 năm nay, tiến độ dự án rất chậm. Trong quá trình này, về phía huyện Hàm Tân đã tích cực kiểm kê, đo đạc được 426,4 ha, chiếm 65% tổng diện tích KCN Sơn Mỹ 1 (giai đoạn 1). Nhưng IDICO chỉ mới tiến hành chi trả đền bù khoảng 25 tỷ đồng cho gần 87 ha đất của 22 hộ dân và đất công do xã Sơn Mỹ quản lý. Đồng thời đến cuối năm 2014, UBND huyện Hàm Tân cũng đã tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường cho 20 hộ dân, 5 tổ chức với gần 40 tỷ đồng trên diện tích hơn 213 ha. Thế nhưng, IDICO lần lữa mãi không có động thái chuyển tiền cho huyện Hàm Tân thực hiện chi trả bồi thường. Tại cuộc họp với Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát tiến độ đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa vào đầu năm qua, chủ đầu tư phát biểu do khó khăn về tài chính, chi phí đền bù tăng làm ảnh hưởng dự án...; nên không thể triển khai công tác bồi thường và khởi công dự án quý I/2015 như chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận… và xin giãn tiến độ dự án. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân đề nghị các sở, ngành kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện tạm dừng thực hiện các quyết định chi trả đền bù, công tác kiểm kê diện tích còn lại của dự án vì chủ đầu tư không có khả năng tài chính để phối hợp với huyện tổ chức chi trả bồi thường…

                
KCN “biến” thành rẫy mì.

Trong khi đó, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 4699 do Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Thanh Cảnh ký lúc bấy giờ, nêu rõ: “Trường hợp đến hết quý I/2015 mà chủ đầu tư vẫn không triển khai thì giao Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND huyện Hàm Tân mời chủ đầu tư làm việc, lập biên bản, thực hiện trình tự thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định, giải quyết các vấn đề tiếp theo để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định của pháp luật”.

   Về phía chủ đầu tư cũng viện cớ lý do khách quan xin giãn dự án. Như chủ trương Chính phủ điều chỉnh quy mô diện tích KCN Sơn Mỹ 1 từ 1.256 ha xuống còn 1.070 ha, KCN Sơn Mỹ 2 (1.240 ha xuống 540 ha), Khu đô thị dịch vụ Sơn Mỹ (925 ha xuống 369 ha). Ban Quản lý các KCN Bình Thuận phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ Sơn Mỹ đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ đầu tư cho rằng, UBND Bình Thuận chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung trên để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết các KCN Sơn Mỹ 1 và 2, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Một phần cũng do phải chờ chủ trương của Chính phủ về phát triển chuỗi dự án Khí - Điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong KCN Sơn Mỹ 1.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Giác, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh trao đổi với chúng tôi, nhận định: “Sự quá chậm trễ nhiều năm qua trong khởi động dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính; Ban quản lý đã nhiều lần gửi văn bản cũng như mời làm việc đề nghị IDICO xúc tiến chi trả đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, động thổ dự án..., nhưng không thấy hồi âm, hay có thiện chí hợp tác đầu tư. Ông Huỳnh Giác cho biết thêm, thời gian gần đây, Ban Quản lý các KCN cũng nhận được thư của Tổ hợp các nhà đầu tư (Tập đoàn Shinsung - Hàn Quốc, Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Thành Hòa Sơn - Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư & Công nghệ ITPC- Việt Nam) đề nghị chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 và 2 khoảng 2.000 ha (gồm 3 giai đoạn), chuyên sản xuất trang thiết bị thuộc ngành năng lượng tái tạo tại Bình Thuận. Ban Quản lý các KCN tỉnh nhận thấy dự án đầu tư quy mô lớn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thân thiện môi trường, có tính khả thi, nên cùng sở ngành liên quan làm việc các nhà đầu tư cung cấp thông tin, hướng dẫn Tổ hợp thủ tục đầu tư vào KCN Sơn Mỹ 1 theo hình thức liên doanh hợp tác với IDICO để triển khai thực hiện dự án trong năm 2016. Nhưng rồi, đối tác phía Bình Thuận giới thiệu, IDICO vẫn chưa chấp thuận. Dự án KCN Sơn Mỹ 1 vẫn đang bỏ ngỏ…

 Kiến nghị thu hồi dự án

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Mỹ Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm: “KCN Sơn Mỹ 1 đã nằm trong quy hoạch hơn 10 năm nay, trong khi đó tiến độ của dự án KCN này quá chậm. Qua nhiều lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đông đảo cử tri địa phương đề nghị tỉnh can thiệp đẩy nhanh tiến độ, đền bù thỏa đáng để người dân tái định cư, ổn định đời sống; nếu không khả thi thì nên hủy bỏ dự án”.

                
Nhà dân trong KCN chưa được đền bù.

Trong khi đó, theo Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Huỳnh Giác, trong tháng 8 này, ban tiếp tục mời IDICO làm việc, xúc tiến dự án, đẩy nhanh tiến độ KCN Sơn Mỹ 1, cũng như xem xét kiến nghị, gia hạn của chủ đầu tư. Trong thời gian tới, nếu IDICO không quyết tâm đầu tư, không có giải pháp tích cực đền bù giải phóng mặt bằng, động thổ dự án, Ban Quản lý các KCN sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án theo quy định pháp luật. Được biết, theo Luật Đầu tư hiện hành, sau 12 tháng cấp phép đầu tư, chủ dự án không có động tĩnh gì, địa phương sẽ xem xét thu hồi. Tương tự, Luật Đất đai 2013 cũng nêu, trong thời gian 24 tháng chủ dự án không tác động gì đến đất đai, chính quyền sở tại xem xét tiến hành như trên.

Điều tra: Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 quá chậm khởi công xây dựng: Chủ đầu tư thiếu năng lực