Phát triển nguồn nhân lực: Linh hoạt hơn trong phương thức đào tạo

05/09/2016, 08:50

BT - Qua 5 năm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực nói chung của tỉnh có nhiều chuyển biến so với trước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo so với tổng số lao động làm việc tăng từ 28% năm 2010 lên 55% năm 2015…

Một tiết học về pha chế tại Trường Cao đẳng Nghề.

Lao động qua đào tạo tăng 27%

Ông Lê Tuấn Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Từ năm 2010 đến năm 2015, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo so với tổng số lao động làm việc tăng từ 28% năm 2010 lên 55% năm 2015. Trình độ chuyên môn của lao động đang làm việc có sự chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đại học trở lên tăng từ 3,13% năm 2010 lên 5,17% năm 2015. Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ doanh nhân được quan tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được quan tâm, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới gắn với yêu cầu của doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 65 -70%. Trong đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản lên 61,7%, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng lên 64,7% và nhóm các ngành dịch vụ lên 84,4%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 20,9%.

Cũng theo ông Phong, ngoài những kết quả đã đạt được, việc phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2010 - 2015 còn không ít hạn chế. Đáng lưu ý, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đến nay vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc của các ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp xây dựng đến năm 2015 chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, với ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 46,9%/ mục  tiêu 49%;  ngành công nghiệp - xây  dựng  chỉ  đạt  51,92%/ mục tiêu 62%…

Coi trọng đào tạo lại

Từ nay đến năm 2020, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 65 - 70%. Để thực hiện được điều đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định, bên cạnh việc đào tạo, cần coi trọng việc đào tạo lại. Từ đó, cung cấp cho người lao động những kiến thức mới, kỹ năng, phương pháp mới đáp ứng yêu cầu ứng dụng những thành tựu khoa học- công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động. Quan tâm đúng mức đến các đối tượng lao động nông thôn, con em gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng nghèo, bộ đội xuất ngũ… không có điều kiện tiếp tục học tập lên các bậc cao hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện đào tạo có địa chỉ cụ thể, để khi tốt nghiệp ra trường, người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định.

Đồng thời, trong phương thức đào tạo phải hết sức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng loại nghề đào tạo. Coi trọng  liên  kết, hợp  tác  chặt  chẽ  với  các trường có uy tín để phục vụ tốt công tác đào tạo. Trong quy trình đào tạo cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục kỹ năng xử lý tình huống, kết hợp học với thực hành nhằm đào tạo người lao động một cách toàn diện. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động. Tạo điều  kiện  khuyến  khích  mọi công dân tự tìm và tự tạo việc làm phù hợp…

THU HÀ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nguồn nhân lực: Linh hoạt hơn trong phương thức đào tạo