Phan Thiết còn thiếu nhà vệ sinh công cộng

01/09/2016, 09:37

BT- Ai cũng biết, Phan Thiết là đô thị loại II và là thành phố du lịch. Du khách đến nhiều, nhu cầu giải quyết “vệ sinh” cho khách khi đi dạo chơi ắt phải có. Vậy thực tế tình hình nhà vệ sinh công cộng của thành phố hiện nay ra sao?

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Trưng Nhị.

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng

Theo thống kê kèm theo bản kế hoạch số 4280/KH-UBND ngày 21/10/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc “Xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2015” cho thấy: Thành phố Phan Thiết có 16 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), trong đó 14 nhà nằm ở các điểm tham quan du lịch do các chủ tư nhân hợp đồng với thành phố để quản lý. Hai nhà nằm trên đường bờ sông Cà Ty được giao cho Công ty Công trình công cộng Phan Thiết quản lý và thu lệ phí cho đến nay. Còn 4 điểm du lịch khác chưa có NVSCC là khu Tháp nước Phan Thiết, khu vực Đá Ông Địa, bờ kè Hàm Tiến và khu Suối Tiên. Rõ ràng, với một thành phố du lịch nhưng mới có từng ấy nhà vệ sinh là còn chưa đủ về số lượng. Còn chất lượng thì trong văn bản nói trên chỉ rõ: “Hầu hết các nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch phần lớn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định”.

Chưa có điều kiện đi “xem” các NVSCC khác, chỉ xin đơn cử về 2 nhà vệ sinh trên bờ sông Cà Ty: Trước hết, phải công nhận ở cả hai nơi đều được người trông coi dọn rửa sạch sẽ, không có mùi hôi thối. Tuy nhiên, chẳng biết 2 nhà vệ sinh này được xây dựng từ bao giờ mà ngoài dãy nhà cầu, còn có cả chỗ rửa mặt trang bị gương soi với bồn rửa tay hẳn hoi, nhưng những thứ ấy giờ chỉ còn dấu vết. Thay vì hư hỏng thì bên thu phí phải sửa lại như nguyên trạng, đằng này người ta cứ bỏ mặc cho nó hỏng, rồi đi xây một bể nước để ai cần múc ra mà rửa. Nhà cầu xây theo kiểu xí xổm, không hợp vệ sinh, có gian cửa bị vỡ kính phải dán giấy, có gian cầu bị hỏng đã lâu không sửa phải niêm phong. Bên trong nhà, những chỗ trống được người trông giữ để đồ đạc không gọn gàng, phía ngoài nhà sơn tường bong tróc dơ bẩn mà không sơn sửa lại, mặc dù trong bản kế hoạch nói trên có nêu rõ số kinh phí phục vụ sửa chữa mỗi năm.

Được biết, cả hai nhà vệ sinh này hiện đang được dư luận yêu cầu cho giải tỏa vì kiến trúc và cả trang thiết bị cũng như khâu quản lý đều không phù hợp với môi trường du lịch văn minh. Hơn nữa, chỗ nhà vệ sinh gần đầu cầu Trần Hưng Đạo rẽ xuống rất lộn xộn; chẳng biết có được phép của thành phố hay không, mà người ta đang biến nơi đây thành một nơi buôn bán xô bồ, vừa cà phê, vừa ki-ốt tạp hóa, vừa cây cảnh, mất mỹ quan đô thị (ảnh)

Cần những nhà vệ sinh văn minh, hiện đại

Là địa phương du lịch, có lẽ Phan Thiết không nên tồn tại 2 nhà vệ sinh trên bờ sông Cà Ty như hiện tại; trước mắt nên cho sửa chữa, thay thế thiết bị và làm mới lại để tận dụng. Về cơ bản, chính quyền địa phương nên chăng cần tạo quỹ đất, kêu gọi đầu tư xã hội hóa từ khâu thiết kế, xây dựng đến quản lý những mô hình nhà vệ sinh đẹp, hiện đại có bộ phận mặc đồng phục trông giữ đàng hoàng nhưng không thu phí như SACOMBANK đã làm ở thành phố Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Trị giá mỗi nhà vệ sinh này khoảng hơn 800 triệu đồng/nhà, người ta có thể cùng nhau bàn chuyện gì đó tại chỗ rửa mặt, có thể chỉnh chu trang phục và trang điểm làm đẹp… được dư luận người dân và du khách rất khen ngợi. Tại Phan Thiết có thể kêu gọi đầu tư xây dựng một NVSCC tại khu Tháp nước chẳng hạn, vì điều kiện đất đai sẵn có và ở đây cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi.

Để TP. Phan Thiết lưu giữ được ấn tượng đẹp trong lòng người bản địa cũng như du khách, cần xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp mà NVSCC văn minh, hiện đại cũng là một yếu tố. 

TRƯƠNG BẠCH TUYẾT


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết còn thiếu nhà vệ sinh công cộng