Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung: Giảm áp lực cho giáo viên

02/09/2016, 09:17

BT- Thông tư  30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nhận xét đánh giá học sinh tiểu học thực hiện được 2 năm song đã có không ít ý kiến trái chiều. Tập trung  nhất là ý kiến “Gánh nặng hồ sơ sổ sách cho giáo viên, việc đánh giá mang tính cào bằng đối với tất cả học sinh”…

                
Sau khi sửa đổi Thông tư 30, giáo viên sẽ    bớt áp lực sổ sách. Ảnh: Internet

Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư 30 và yêu cầu áp dụng ngay trong năm học mới này.

Nếu như hồ sơ đánh giá học sinh trước đây quy định phải có nhật ký đánh giá hàng ngày, sổ theo dõi chất lượng giáo dục ghi nhận xét hàng tháng, học bạ đánh giá cuối kỳ và cuối năm. Bây giờ, hồ sơ đánh giá được giảm nhẹ đi, khi chỉ có học bạ học sinh và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.

Về  đánh giá học sinh, giao quyền chủ động cho giáo viên. Thầy cô giáo sẽ chủ động ghi nhận xét vào thời điểm thích hợp. Giáo viên có thể ghi nhận xét hoặc dùng lời để chỉ ra cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng, cách sửa chữa… để  học sinh có sự tiến bộ trong học tập.

Còn về đánh giá, thay vì “cào bằng” thì  Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung nhấn mạnh đến lượng đánh giá theo mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ. Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Việc cho điểm số ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học vẫn giữ nguyên với các lớp 1, 2, 3. Riêng với  môn Toán và tiếng Việt ở lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra bằng điểm số ở giữa 2 kỳ.

Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung còn  hướng dẫn hiệu trưởng tặng giấy khen thưởng cuối năm cho học sinh theo các dạng: hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện;  hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện; có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận. Hy vọng với Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung, thầy cô giáo chủ động hơn, giảm sự “mệt mỏi” về giấy tờ như trước đây.

Phan Tuyết


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung: Giảm áp lực cho giáo viên