Australia và Trung Quốc đang ngày càng xa cách nhau?

01/09/2016, 08:23

Dẫu cho Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia nhưng những diễn biến gần đây cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước này đang xấu đi.

Trong một bộ phim chính trị do truyền hình Australia thực hiện gần đây với nhan đề “Thành phố bí mật” với nội dung nói về một cuộc tấn công mạng đã làm tê liệt hệ thống kiểm soát không lưu của đất nước. Giới chức Australia đã ngay lập tức cáo buộc cuộc tấn công này là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.

Cốt truyện của bộ phim trên là một ví dụ cho thấy thái độ của Australia đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Một mặt Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, mặt khác họ cũng là mối nguy quân sự tiềm tàng mà cả Mỹ và Australia (hai đồng minh gần gũi) đều đang dè chừng. 

                
      
         Australia và Trung Quốc đang ngày càng xa cách nhau? (hình minh họa:    TIN).

Về phần mình, Trung Quốc nhận thức rất rõ sự miễn cưỡng trong quan hệ Bắc Kinh-Canberra. Những động thái gần đây giữa hai nước đã đẩy mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua.

Trung Quốc từng lên tiếng không bằng lòng về việc Australia phản đối những hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, Australia cũng đã chặn các hồ sơ đầu tư từ phía Trung Quốc, dường như là vì an ninh quốc gia. Một tờ báo Trung Quốc đã ví Australia như là một “con mèo giấy sẽ không tồn tại được lâu”.

Ngay cả các vận động viên Olympic giữa Australia và Trung Quốc cũng đang có hiềm khích nhau. Đầu tháng này, vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic môn bơi lội Mack Horton (người Australia) đã gọi vận động viên Tôn Dương (Trung Quốc) là "kẻ gian lận” vì đã dùng chất kích thích.

Trước khi thi đấu, vận động viên Horton tố cáo Tôn Dương cố ý cản trở anh trong lúc tập luyện và nhấn mạnh thêm rằng: “Tôi không có thời gian hay sự tôn trọng với những kẻ gian lận dùng chất kích thích”.

Nghi kỵ lẫn nhau

Khi trang web điều tra dân số của Australia gặp vấn đề trong tháng này, khiến việc điều tra dân số đất nước rơi vào hỗn loạn, nhiều người đã suy đoán rằng đây lại là một cuộc tấn công mạng từ phía Trung Quốc.

Peter Cai, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy nhận định, đấy là một ví dụ điển hình cho thấy mối quan hệ 2 bên đang gặp khó khăn.

Trong khi Mỹ là đồng minh chính của Australia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ Thế chiến thứ hai, Trung Quốc là một đối tác có sự phát triển kinh tế vượt bậc bất chấp 2 cuộc suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, diễn biến đang ngày càng phức tạp. Mỹ đã chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn Trung Quốc đang có những động thái làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông. 

Tháng trước, Trung Quốc cáo buộc Mỹ, Australia, Nhật Bản đã “thổi bùng ngọn lửa” trong khu vực, sau khi 3 nước này ban hành một tuyên bố thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài Quốc tế La Haye.  

Căng thẳng Trung Quốc- Australia thậm chí còn vượt ra ngoài lĩnh vực đối ngoại và chính trị. Như đã nêu ở trên, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Rio, nhiều người Trung Quốc đã chửi bới vận động viên bơi lội người Australia, Mack Horton vì anh ta đã tố cáo vận động viên Trung Quốc gian lận và dùng chất kích thích.

Đòn kinh tế

Mâu thuẫn giữa Australia và Trung Quốc chưa dừng lại đó, mà còn tiếp tục cả ở trên phương diện kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison mới đây đã từ chối 2 gói thầu đầu tư từ nước ngoài: một gói từ Tập đoàn điện lưới quốc doanh Trung Quốc State Grid và gói thứ hai từ công ty Cheung Kong Infrastructure (Hongkong) - nơi nắm giữ 50,4% cổ phần ở Ausgrid – công ty mở mạng lưới điện ở bang New South Wales, Australia.

Ông Morrison khẳng định, quyết định của ông không ảnh hưởng bởi những tác động về chính trị của Australia. Trước đó, ông đã từ chối một gói thầu của Trung Quốc về trại nuôi gia súc khổng lồ Kidman. 

Một số người đã lưu ý rằng sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 7 vừa qua, Thượng viện Australia giờ đây có 7 chính trị gia theo chủ nghĩa bảo hộ.

Mặc dù Australia đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc vào năm ngoái, ngày càng nhiều người Australia khó chịu với việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư và sở hữu  hàng loạt bất động sản cũng như là đất nông nghiệp Australia.

Bộ trưởng Tài chính Morrison từ chối tiết lộ liệu quyết định của ông liên quan đến mối lo ngại về an ninh hay không. 

Tờ Crikey nhận định: “Nếu đó là mối đe dọa an ninh quốc gia, như ngài Morrison đã tuyên bố, thì chúng ta thực sự đã bị hớ”.

Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã đăng tải một bài xã luận bằng tiếng Anh, trong đó có viết: “Những người cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng kiểm soát mạng lưới điện Australia với một động cơ bí mật nào đấy là điều vô lý và thật hài hước”.

Ông Cai, nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy tin rằng, trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia còn có thể xấu hơn nữa nếu Austrlia tham gia tập trận hàng hải ở Biển Đông cùng với Mỹ./.

Phương Chi/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Australia và Trung Quốc đang ngày càng xa cách nhau?