Ứng dụng công nghệ thông tin: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

29/08/2016, 08:40

BT- Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở Bình Thuận đã có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng trang thiết bị CNTT ở các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc. Tỷ lệ máy tính cấp tỉnh đạt 1 máy/CBCC-VC; cấp huyện đạt 0,8-1 máy/CBCC-VC. 100% sở, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành mạng LAN, kết nối Internet băng rộng. Đa số các địa phương đạt 100% UBND cấp xã có kết nối Internet băng rộng; 7/10 huyện có các phòng, ban kết nối với mạng LAN của UBND huyện. Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên với 3 đường truyền Internet (Leased Line 3.5Mbps, FTTH 45Mbps và đường truyền mạng số liệu chuyên dùng được tăng băng thông từ 6Mbps lên 20Mbps) để hosting các ứng dụng dùng chung của tỉnh, đảm bảo hoạt động thông suốt. Hệ thống 40 máy chủ (năm 2005 chỉ có 10 máy chủ) và thiết bị mạng hoạt động ổn định, đảm bảo phục vụ tốt các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Ngoài ra, còn được trang bị một số thiết bị đạt chuẩn về mặt công nghệ để đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin và chống sự tấn công phá hủy dữ liệu bất hợp pháp. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh kết nối 33 điểm, hoạt động thông suốt, ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình được đầu tư từ năm 2010 phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh, giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hiện đang triển khai đầu tư xây dựng Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của Tỉnh ủy.

Hoạt động ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước trong thời gian qua có bước phát triển khá. Cùng với việc tập trung đầu tư hệ thống mạng và trang thiết bị tin học, việc khai thác các tiện ích, dịch vụ của hệ thống, xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu, chương trình phần mềm cũng được quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện, góp phần hỗ trợ trong công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp và chương trình cải cách thủ tục hành chính. Đã hoàn thành việc triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông cấp huyện tại 10/10 địa phương. Hiện tại, hệ thống đã cập nhật 8.260 thủ tục hành chính trên 7 lĩnh vực. Triển khai thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cấp sở cho 2 đơn vị là Sở Nội vụ và Sở Tài nguyên - Môi trường từ năm 2014. Bước đầu đã tạo lập quy trình và nhập dữ liệu hoàn chỉnh tại Sở Nội vụ (30/33 thủ tục hành chính), Sở Tài nguyên - Môi trường (7/52 thủ tục hành chính). Kết quả bước đầu của cải cách thủ tục hành chính thông qua thực hiện cơ chế một cửa điện tử liên thông đã giảm việc đi lại của người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, số hồ sơ hành chính giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ cao, công khai, minh bạch. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh vẫn tiếp tục hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả. 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố được cấp hộp thư điện tử và triển khai tốt hệ thống thư điện tử công vụ; 100% CBCC cấp tỉnh, huyện được cấp phát và sử dụng thư điện tử trong công việc; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã triển khai đến cấp xã và 100% các xã, phường, thị trấn có hộp thư điện tử công vụ đại diện.

Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể. Các đơn vị đã triển khai việc gửi, nhận văn bản ký số (không gửi giấy) đảm bảo đúng yêu cầu theo quy định, từng bước giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm kinh phí. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã đưa vào sử dụng tại 30 đơn vị (20 sở, ngành và 10 UBND cấp huyện). Hệ thống phần mềm triển khai liên thông giữa các đơn vị, góp phần đẩy mạnh việc sử dụng văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính với nhau. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đến nay chưa xảy ra sự cố nào quan trọng về an toàn an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh. Điều này đã khẳng định trong việc đánh giá chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh Bình Thuận từ năm 2011 đến 2015 đều tăng bậc qua từng năm. Năm 2015 Bình Thuận xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, so với năm 2011 xếp hạng 33/63 thì tăng 11 bậc. Trong đó các tiêu chí năm 2015 so sánh với năm 2011 có mức tăng tương đối, cụ thể: Về hạ tầng kỹ thuật xếp hạng 21/63 (tăng 25 bậc), về ứng dụng xếp hạng 16/63 (tăng 22 bậc), về nhân lực xếp hạng 31/63 (tăng 13 bậc), về sản xuất kinh doanh xếp hạng 31/63 (tăng 3 bậc)…

Với những kết quả trên, hoạt động CNTT ngày càng đáp ứng có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ở Bình Thuận, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ nhân dân trong tỉnh.

Vũ Hà


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng công nghệ thông tin: Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước