Doanh nghiệp khắc phục nợ khi công đoàn chuẩn bị khởi kiện

22/12/2016, 08:54

BT- Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) những tháng cuối năm có xu hướng gia tăng. Hiện toàn tỉnh có hơn 834 đơn vị, doanh nghiệp nợ hoặc trốn đóng BHXH, BHYT đã làm xâm hại đến quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn lao động.

                
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp    khi doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm.

Nợ gia tăng đột biến

Theo ông Nguyễn Đình Chất, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận thì năm 2016 tình trạng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các đơn vị, doanh nghiệp tăng đột biến. Đến ngày 30/11/2016 số nợ toàn tỉnh lên đến con số 222.202 triệu đồng, chiếm 12% kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH 79.200 triệu đồng; nợ BHTN 3.313 triệu đồng và nợ BHYT 139.688 triệu đồng (ngân sách nợ 127.195 triệu đồng, nhưng đến ngày 21/12 đã chuyển trả 79.000 triệu đồng). Nợ bảo hiểm chủ yếu tập trung ở nhóm nợ chậm đóng (thời gian nợ dưới 1 tháng) và nợ đọng (từ 1-3 tháng), hai loại nợ này ngày càng gia tăng cả về số lượng đơn vị và số tiền. Song, việc thu nợ bảo hiểm gặp khó khăn, vì phần lớn các doanh nghiệp nợ quy mô nhỏ và doanh nghiệp tư nhân. Lý do nợ họ đưa ra để biện minh là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, công việc không ổn định nên không có khả năng đóng bảo hiểm. Trong lúc đó công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các doanh nghiệp nợ kéo dài còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nợ bảo hiểm được phân làm 4 loại: Nợ chậm đóng (có thời gian 1 tháng); nợ đọng (từ 1-3 tháng); nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên) và nợ khó thu (nợ nhiều năm). Trong đó, nợ kéo dài và nợ khó thu có trên 423 đơn vị, doanh nghiệp với khoảng 8.000 lao động, nợ số tiền hơn 52.000 triệu đồng.

 Nguyên nhân nợ tăng

Tại Bình Thuận, năm 2015 nợ BHXH, BHYT, BHTN đến cuối năm chỉ chiếm 3,24% kế hoạch thu. Nhưng năm 2016 chỉ còn gần nửa tháng nữa là kết thúc năm tài chính, nhưng số nợ của các doanh nghiệp vẫn chiếm hơn 12%, vượt cao hơn mức nợ cho phép rất nhiều. Nguyên nhân nợ các doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do như: do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, trong nước… nên sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; do công trình, dự án đã hoàn thành, nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán; một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có lương trả cho công nhân…Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít doanh nghiệp cố tình nợ gối đầu, nợ kéo dài, lợi dụng chính sách nợ 30 ngày không tính lãi, lãi thấp, nên chậm đóng, sử dụng tiền đóng bảo hiểm vào việc khác. Trong lúc đó hàng tháng chủ doanh nghiệp vẫn trừ bảo hiểm trong phần lương của người lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng bảo hiểm cho bộ khung quản lý để giảm chi phí hoặc đóng không đủ cho số lao động thực tế của đơn vị. Mặt khác, về phía cơ quan BHXH và các ngành liên quan, do thiếu nhân lực nên chưa thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đôn đốc, nhắc nhở, xử lý các đơn vị nợ BHXH, BHYT. Nhất là chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu các đơn vị nợ kéo dài và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nợ khó thu để giảm nợ “treo”.

 Biện pháp giảm nợ

BHXH, BHYT là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện sự tiến bộ, công bằng xã hội. Do vậy, thực trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN quá lớn như hiện nay là điều đáng lo ngại vì ảnh hưởng và hệ lụy đến hàng chục nghìn lao động. Hiện có hơn 30 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 10 tháng trở lên; hàng ngàn lao động tại các doanh nghiệp này không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, không có thẻ BHYT, khi mất việc làm không được nhận trợ cấp BHTN; người lao động đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không được kết sổ…quyền lợi của họ bị xâm hại vì chủ sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật BHXH, BHYT.

Trước thực trạng trên, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động ngành BHXH đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để thu hết nợ. Trong đó, ngoài giải pháp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của tất cả các đơn vị nợ kéo dài và cương quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ỳ chậm đóng BHXH, BHYT; chỉ đạo phòng thu, khai thác và thu nợ, thanh tra trực tiếp đôn đốc thu kịp thời không để nợ tồn đọng; thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra đột xuất các doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên; công khai nợ của các doanh nghiệp lên các phương tiên thông tin đại chúng; phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án nhân dân các cấp xét xử từ ngày 14/4/2016 trở về trước. Đặc biệt là BHXH phối hợp với tổ chức công đoàn để khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH. Đến ngày 15/12/2016, cơ quan BHXH tỉnh đã hoàn tất 32 hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp nợ kéo dài với số tiền 16,6 tỷ đồng chuyển sang Liên đoàn Lao động tỉnh để xem xét, khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hồ sơ sang tổ chức công đoàn thì có 19 doanh nghiệp đã chủ động khắc phục số tiền nợ hoặc nộp một phần tiền nợ như: Công ty TNHH DL Tấn Phát trích nộp đủ 100% số nợ; Công ty TNHH TV và KĐXD Tân Hưng nộp đủ 100% số nợ; Công ty cổ phần khai thác titan Bình Thuận, nộp đạt 91,3% số nợ; Công ty TNHH MTV SX - TM - DV Quốc Anh nộp đạt 89% số nợ; Xí nghiệp chế biến gỗ Đức Long nộp đạt 80,8% số nợ; Công ty cổ phần khai thác khoáng sản - VLXD Trung Nguyên (Bắc Bình) nộp đạt 75,3% số nợ và một số đơn vị khác cũng nộp từ 40 - 70% số nợ.

Có thể thấy, việc khắc phục nợ BHXH, BHYT, BHTN của 19 doanh nghiệp nói trên đã tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp khác còn nợ bảo hiểm. Mặt khác, việc tích cực khắc phục nợ của các doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho hàng trăm lao động tiếp tục được hưởng chế độ BHXH, BHYT và đời sống, sức khỏe của người lao động được cải thiện.

    
      Hiện có khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp đã giảm hết số lao động, có đơn   vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… nhưng nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn   “treo” hơn 8,6 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV 508 nợ các loại bảo hiểm   104 tháng; Trường mẫu giáo tư thục Nguyên Anh 1 nợ 34 tháng (hiện không   còn trường này nữa); Công ty TNHH Suối Cát nợ 45 tháng; Công ty TNHH   thương mại - Chế biến gỗ An Huy nợ 62 tháng; Chi nhánh Công ty TNHH DV-   BV Hoàng Phương nợ 69 tháng; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bình Thuận   nợ 44 tháng; Công ty TNHH Hoa Hồng và Hoa Hồng nợ 63 tháng…

 LÊ THANH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp khắc phục nợ khi công đoàn chuẩn bị khởi kiện