Nghiêm cấm lợi dụng tặng quà, “tiệc tùng”

28/12/2016, 15:37

BT- Quy định 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 19/12/2016 như một làn gió mới thổi vào cuộc sống hiện tại. Người Việt chúng ta xưa nay xem việc tặng quà cho nhau khi tết đến xuân về là việc làm bình thường, thể hiện sự tin cậy, yêu mến nhau. Nhưng thực tế đã chỉ ra việc tặng quà đang bị “vấy bẩn” bởi một số người lợi dụng cơ hội này để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Quà tặng hiện đã biến tướng và không ai có thể kiểm soát được việc tặng quà như thế nào là đúng. Một món quà nhỏ tặng đồng nghiệp như lời chúc mừng, cây bút, cành hoa, chai dầu, lọ nước hoa, thỏi son sẽ không có gì là vụ lợi. Người nhận quà và người tặng quà càng cảm thấy vui hơn khi mình được tôn trọng, quý mến. Giá trị cốt lõi của các món quà này là tinh thần. Nhưng cũng có những món quà mang đậm dấu ấn của việc trả ơn sau khi “chạy” thành công một việc gì đó cho cá nhân như “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy việc làm” chẳng hạn. Nói về quà tặng, một  cựu lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ cho rằng: Tặng quà cho lãnh đạo lên đến hàng trăm triệu đồng là bất thường, không thể gọi là thể hiện tình cảm được. Người tặng đã thực sự vụ lợi nhưng với người nhận thì chẳng hề có lòng tự trọng chút nào.

Đất nước chưa giàu nhưng ở đâu người dân cũng dễ dàng bắt gặp nào là hội nghị, mít tinh kỷ niệm, khai trương, khánh thành, động thổ công trình… Sau đó, tất nhiên là liên hoan, “tiệc tùng” diễn ra rất hoành tráng với những lời chúc tụng, ca ngợi lên đến tận mây xanh. Kinh phí dành cho khoản “đối ngoại” này không hề nhỏ và người tham dự ở đây không ai khác là những quan chức. Vừa tốn tiền, mất thời gian, cái lợi chưa thấy nhưng cái mất hiển rõ mồn một là tiền thuế của dân đã bị sử dụng không đúng mục đích. Và cũng không người dân nào đồng tình với việc tiền thuế của mình bị quan chức tiêu xài vô bổ như thế.

Người dân cũng cảm thấy bất bình khi mà cán bộ hiện nay “nhậu” dữ quá và thường “chơi tới bến”. Bởi vậy mà trong xã hội đã có dư luận nhận xét, đánh giá cán bộ bây giờ ít ai lấy hiệu quả công việc làm thước đo mà xem “đô” của họ bao nhiêu chai, bao nhiêu lon, có chịu chơi và chịu chi hay không? Khi được bổ nhiệm, thăng chức, đề bạt thì mức độ chơi càng hoành tráng gấp bội, ăn mừng đến độ “không say không về”, là thước đo thể hiện mình với anh em đồng nghiệp, với cấp trên. Nguy hiểm hơn, có những vị cấp trên không khuyên bảo, can ngăn mà lại khuyến khích, cổ vũ cho thuộc cấp mình chứng minh năng lực bản thân. Chuyện ăn nhậu say sưa dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho chính cán bộ là điều xảy ra không hiếm, nhưng vì sao họ không hạn chế? Theo thiển nghĩ cá nhân, vấn đề nằm ở nhận thức của mỗi người. Với hiệu ứng tâm lý đám đông, thường khi tập thể đã “quyết” thì “số ít” sẽ bị khuất phục, mà ép buộc nhau về bia, rượu chính là hại nhau. Thay đổi nhận thức để chấn chỉnh những hành vi phản cảm là việc nên làm và phải làm sớm. Chính vì vậy, việc nghiêm cấm của Bộ Chính trị đối với cán bộ, đảng viên không được ăn uống, “tiệc tùng” khi có sự kiện diễn ra, thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nếp sống mới, văn minh, tiến bộ.

Để quy định thực sự đi vào cuộc sống và lan tỏa nhanh, hơn ai hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải làm gương trước thuộc cấp. Đây cũng là thời điểm cuối năm – thường thì sau tổng kết là liên hoan, gặp mặt, chúc mừng. Thay vì dùng số tiền cho cuộc liên hoan đó hãy nên hỗ trợ cho nhân viên của mình và giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào đang bị ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung sẽ thiết thực hơn, nhân văn hơn.

    
      Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng   trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít   tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ   được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển   công tác,... để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà, với động cơ vụ   lợi. Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện   đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của   Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt   đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa tặng quà   với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống,   “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Khi có   đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện   nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công   tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ   chức ăn uống lãng phí.

Như NguyỄn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiêm cấm lợi dụng tặng quà, “tiệc tùng”