Nông dân Tuy Phong “lao đao” vì bụt giấm

19/12/2016, 16:29

BTO- Hiện việc thu hoạch bụt giấm của nông dân Tuy Phong đã vào cuối vụ, nhưng suốt vụ bụt giấm vừa qua, không ít người phải lao đao chỉ vì câu chuyện muôn thuở “được mùa, mất giá”.

Theo một số nông dân trồng bụt giấm tại khu vực Dốc Cúng - thị trấn Liên Hương: nhờ thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên sau thời gian gieo hạt, bụt giấm phát triển tốt cho năng suất bình quân khoảng 1 tạ/1 sào. Tuy nhiên, gần đây không ít người phải ngậm ngùi nhìn bụt giấm chết khô, rụng đầy trên rẫy bởi không tìm được đầu ra cho trái bụt giấm của mình.

                

Được biết, bụt giấm là cây được người nông dân đưa vào trồng trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, tận dụng đất trống, đồi trọc với vốn đầu tư không quá lớn, tầm 5 - 6 triệu cho 1 mẫu đất trồng bụt giấm nhưng khả năng sinh lãi cao. Nhiều năm trở lại đây, bụt giấm được biết đến nhiều như một loại nước uống và dược liệu có giá trị y học nên được một số công ty dược liệu và nước giải khát quan tâm thu mua nguyên liệu. Chính vì điều kiện dễ canh tác và vốn đầu tư thấp nên nông dân nhiều địa phương cũng đã mở rộng quy mô trồng trọt, vì thế nguồn cung đã vượt cầu khiến hiện nay các cơ sở thu mua đã không  cần nhiều nguồn hàng nữa.

Vào mùa thu hoạch chính này, người trồng bụt giấm ở Tuy Phong phải tự loay hoay tìm đầu ra. Chị Đỗ Thị Miên - thị trấn Liên Hương cho biết: “Giấm khô hiện chẳng có ai thu, người nào có mối  mới bán được giấm tươi với giá khoảng 3 - 5 ngàn đồng/1 kg, không thì bỏ luôn trên rẫy. Giá cả đã thấp hơn một nửa so với những năm trước mà còn khó bán, nông dân đành ngậm ngùi”.

Nếu có nhiều hơn sự quan tâm của các ngành liên quan  hỗ trợ người nông dân trong việc quy hoạch, ổn định diện tích và đầu ra cho sản phẩm thì bụt giấm cũng là một loại cây có khả năng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho những hộ dân không có nhiều vốn sản xuất của Tuy Phong.

 Hải Thạch


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân Tuy Phong “lao đao” vì bụt giấm