Từ nước xem lại quy hoạch

22/12/2016, 10:42

 BTO- Vấn đề cấp nước và sử dụng nước cho khai thác, chế biến titan như thế nào cho hiệu quả đồng thời tránh hao hụt nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu và ảnh hưởng đến môi trường là vấn đề cần phải được xử lý một cách khoa học, nghiêm túc trong hiện tại cũng như tương lai. Cũng từ vấn đề này cần xem xét lại Quy hoạch đã được phê duyệt.

Bình Thuận đang hướng tới là trung tâm khai, thác chế biến quặng titan của cả nước. Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến tin tan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trên địa bàn tỉnh có 25 khu vực với tổng diện tích 19.339 ha.

Với diện tích khai thác hàng chục ngàn ha đòi hỏi một lượng nước ngọt rất lớn. Nhưng Bình Thuận lại là một trong những tỉnh khô hạn nhất của cả nước. Nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương rất khan hiếm. Phần lớn các khu vực quy hoạch khai thác titan đều nằm ven biển, nơi diện tích phân bố cát rất rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt; nếu có thì cũng chỉ đủ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu cho canh tác hoa màu của nông dân. Chính vì vậy, trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cần yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép sử dụng tài nguyên nước tại khu vực khai thác đảm bảo đủ để phục vụ cho việc khai thác.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây khi được hỏi về dự án khai thác quặng sa khoáng titan - zircon khu vực Mũi Đá 1, phường Phú Hài (thành phố Phan Thiết) và thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác Chế biến Khoáng sản Cát Tường; Tỉnh ủy Bình Thuận đã khẳng định dứt khoát là: “Không chấp thuận việc đầu tư dự án khai thác titan khu vực từ phường Phú Hài (Phan Thiết) đến thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn, do đó điều kiện ràng buộc của việc chấp thuận các dự án khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh là không được phép khai thác nước từ nguồn nước ngầm, nước từ các suối, ao, bàu, hồ để nguồn nước này tập trung phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và ngăn ngừa nhiễm mặn. Các chủ đầu tư muốn khai thác sơ tuyển quặng sa khoáng titan phải hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh để được cung cấp nước”.

Vấn đề cần xem xét lại là hầu hết các dự án thăm dò khai thác titan theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, chồng lấn dự án, quy hoạch khác, khả năng cung cấp nước cho hoạt động khai thác rất khó khăn; an toàn mỏ không cao khi đi vào hoạt động. Do đó cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan xem xét đưa các khu vực này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và hoán đổi khu vực khai thác cho doanh nghiệp như đưa vào trong khu vực tầng cát đỏ ở tiểu khu Lương Sơn- Bắc Bình hiện còn hơn 5.000 ha chưa cấp phép

Từ những căn cứ trên, cho thấy việc huy động nguồn nguyên liệu để đạt công xuất cấp phép đến năm 2020 theo mục tiêu được Thủ tướng phê duyệt là không còn phù hợp và thiếu tính khả thi. Do vậy việc điều chỉnh Đề án thăm dò khai chế biến, sử dụng quặng titan giai đoạn đến 2020 có xét đến năm 2020 tại Bình Thuận là điều cần phải làm sớm để có cơ sở triển khai các hoạt động có liên quan đến khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

THẾ NAM


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ nước xem lại quy hoạch