Hàm Thuận Bắc: Nhân rộng mô hình cộng đồng phòng chống bệnh đốm nâu

15/12/2016, 09:26

BT- Để tăng tính hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh đốm nâu, huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo các xã trên địa bàn triển khai nhân rộng mô hình “Cộng đồng cùng phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long”. Đây là mô hình mới do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực.

                
Vệ sinh vườn thanh long ở thị trấn Phú    Long.

Hình thức của mô hình là hình thành từng nhóm hoặc tổ với nhiều hộ dân tham gia. Thông qua mô hình, bà con sẽ trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau trong việc kiểm soát mầm bệnh, đẩy lùi bệnh đốm nâu phát sinh trên vườn thanh long của gia đình. Với phương châm “Đồng loạt, thường xuyên, liên tục và mọi người đều có trách nhiệm”, đến nay toàn huyện có 7/13 xã đã triển khai thực hiện mô hình với diện tích 114,2 ha ở các xã Hàm Trí, Hàm Chính, Hàm Đức, Ma Lâm, Hàm Liêm, Thuận Minh, Hồng Liêm. Trong đó, Hàm Trí và Hàm Chính đã tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên địa bàn. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện, thực hiện mô hình cộng đồng cùng phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long bước đầu đã đem lại một số kết quả. Tỷ lệ nhiễm bệnh giảm 50% so với đối chứng, hạn chế được bệnh đốm nâu, không có diện tích bị nhiễm nặng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 xã chưa triển khai mô hình, trừ xã Hàm Chính và Hàm Trí, các xã còn lại xây dựng mô hình quy mô còn nhỏ, phân tán và việc theo dõi, kiểm tra chưa thường xuyên nên chưa đánh giá được mức độ hiệu quả nên không thể nhân rộng. Vì vậy, huyện đang tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá các mô hình. Từ đó, giúp các xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và triển khai nhân rộng trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, thực hiện tháng cao điểm phòng bệnh chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, từ đầu năm đến nay huyện đã tổ chức tập huấn được 70 lớp/3.404 nông dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng bệnh. Tổ chức vệ sinh hơn 7.000 ha vườn thanh long, tiêu hủy cành, nụ, trái thanh long bị bệnh theo quy trình hướng dẫn của ngành chuyên môn. Theo đánh giá của ông Huỳnh Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa chủ động trong công tác phòng bệnh, vẫn còn trông chờ vào thuốc hóa học đặc trị nên thiếu quyết tâm trong việc thực hiện các biện pháp xử lý mầm bệnh. Chính việc thu gom, tiêu hủy để xử lý nguồn bệnh còn hạn chế như vứt bỏ cành bệnh bừa bãi trong vườn hay dưới mương nước, rãnh nước làm cho mầm bệnh lây lan phát tán rộng nên tỷ lệ nhiễm bệnh đốm nâu trên địa bàn huyện vẫn còn cao, với 2.512 ha.

Thời gian tới, bằng nhiều hình thức hội thảo, tập huấn, phát tờ rơi… Ban chỉ đạo từ huyện đến xã cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ quy trình phòng bệnh đốm nâu trên cây thanh long, tham gia đồng loạt, thường xuyên phòng bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền thay đổi nhận thức của nông dân về tác hại của bệnh đốm nâu, không chặt bỏ thanh long bừa bãi, hạn chế sự tái nhiễm và lây lan nấm bệnh. Cụ thể, phải tiến hành đồng loạt, tập trung tổng hợp các biện pháp phòng chống như vệ sinh vườn, tiêu thoát nước, cắt tỉa những bộ phận bị nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy được xem là khâu quan trọng nhất…

    
    Thống kê của Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững huyện Hàm Thuận   Bắc cho biết, tính đến đầu tháng 12 toàn huyện có 2.512 ha bị nhiễm bệnh   đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ có 2.081 ha, nhiễm trung bình 416 ha, diện   tích nhiễm nặng 15 ha.

Thanh Duyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Nhân rộng mô hình cộng đồng phòng chống bệnh đốm nâu