Vĩnh Hảo  - vùng đất nhiều huyền thoại

02/01/2017, 10:39

BT- Tôi trở lại Vĩnh Hảo - Tuy Phong vào một buổi sáng tinh mơ cuối đông khi cánh đồng Sông Lòng Sông còn đang tỏa mùi hương lúa, những giọt sương mai đa sắc dưới ánh mặt trời vừa nhô lên còn đọng trên những cánh hoa bằng lăng tím rực khắp hai dãy núi Tàu, núi Đất. Trong không gian cô tịch của vùng đất Láng Lớn với những dãy núi hình cánh cung bao bọc trùng điệp huyền bí, xa xăm tiếng chuông chùa vọng lại… lắng đọng trong tôi về những phế tích, những câu chuyện huyền thoại giữa thực và “mơ”… về vùng đất lạ thường!

                              
Đường vào chùa Suối Rắn.
   
Mặt trước chùa Linh Sơn tự.

Từ cầu Chiêu Quân

Cầu Đại Hòa từng có tên là cầu Chiêu Quân, đây là địa điểm mà Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến đã sử dụng vùng này để chiêu mộ binh sĩ từ miền Trung vào, phía Nam ra, nhất là lực lượng tại chỗ và các vùng lân cận, sau đó đưa về vùng đất Láng Lớn cách đó 6 km để huấn luyện. Hiện nay, tại đây còn lại một giếng nước ngọt (còn gọi là giếng Ông Huấn) do lực lượng này đào để phục vụ cho binh sĩ huấn luyện. Điều khó hiểu  với điều kiện trong thời kỳ ấy lại tìm được một vị trí nước ngọt duy nhất trong vùng đất hàng trăm ha hầu hết là nước khoáng, nước phèn.

Từ thị trấn Liên Hương, trung tâm huyên lỵ Tuy Phong tôi đi dọc theo quốc lộ 1 vượt qua cầu Đại Hòa về hướng Bắc với khoảng cách 7km là núi Tàu, núi Đất, con đường quốc lộ xuyên qua đã chia cắt điểm đầu hai quả núi “cô độc” liền nhau nằm về phía biển. Nơi đây, được tương truyền là vườn thượng uyển của công chúa Chăm. Anh Ba Bình, HTX.NN Long Điền 2 cho biết: “Trên hai quả núi này cây bằng lăng chiếm tỷ lệ khá lớn nên thường xuyên có sắc màu tím rực rỡ tập trung trước và đầu mùa mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 6, có năm nắng hạn thì muộn hơn”. Trên đỉnh hai quả núi có sân bay dã chiến của Mỹ, có vài hang đá với dấu hiệu bị lấp miệng. Có thông tin cho rằng năm 1973, trước khi Mỹ rút đi máy bay sườn sắt (Tàu Gáo) của Mỹ lên xuống vận chuyển hàng ngày 4 chuyến từ đỉnh núi ra Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương cả tháng. Có người cho rằng ở núi Tàu có kho báu với số lượng 4.000 tấn vàng do phát xít Nhật giấu lại, có hồ sơ, có bản đồ vị trí. Sau khi xin phép chính quyền tỉnh, rồi với nhiều lần gia hạn; sau hàng chục năm đào bới tìm kiếm và liên tục đưa ra thông tin có dấu hiệu gần thấy kho báu… Nhưng vô hiệu! Ở núi Đất còn có truyền thuyết rít ngậm ngọc… Anh Trần Mai, “thổ địa” vùng đất này cho biết: “Năm 1954, khi ấy tôi 10 tuổi; tôi cùng anh Tư Sa, dân Liên Hương sống ở vùng này chính mắt nhìn thấy rít xuất hiện vào một đêm trời tối có màu sáng xanh rực với những tia chớp bằng cái nia giống như đom đóm nhưng quy mô lớn hơn hàng ngàn lần, nằm về phía Nam quả núi”. Có người còn bày cách dụ rít rời hang bằng cách rang cám, khi có mùi thơm đem trải trên nia rồi đặt lưng chừng núi, về đêm rít sẽ xuất hiện.     

 Đến vùng Suối Rắn

Từ dưới chân dãy núi đối diện bên kia đường, nằm về phía đông sát với đường quốc lộ 1 là Xí nghiệp nước suối Vĩnh Hảo, rẽ trái tôi tiếp tục đi theo hướng bắc lên các dãy núi sẽ đến chùa Đá Mẹp (chùa Suối Rắn), cách Liên Hương 15km. Trên đường đến chùa tôi phải đi qua vùng đất Láng Lớn, nơi đây có giếng Ông Huấn, một vùng đất cô tịch nhưng trong tôi lại văng vẳng tiếng binh reo ngựa hí. Khi gần đến chùa, nhìn sang dãy núi bên phải hiển hiện cột đá mà trên đó có khối đá hình chữ nhật nằm vắt ngang, dân gian gọi là Bà Đội Đuôn; có người nói đó là công chúa Chăm liên quan đến một chuyện tình; cũng có người cho đó là hình người phụ nữ đội đá xây thành lũy… và cũng có khá nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với tượng đá này. Song sự thật là tượng đá đang đứng giữa trời và điều không lý giải nổi là vì sao tảng đá nặng hàng trăm tấn lại nằm vắt ngang trên cột đá, dông bão, chấn động mà nó vẫn hiên ngang tồn tại. 

Suối Rắn, con suối từng chảy ngang chùa và trải dài trên vùng đất này chạy theo chân núi, khi chúng tôi tìm lại chỉ còn là hoang tích. Theo một số tài liệu thì vùng suối này, cây cối rậm rạp, đá dốc trơn trợt, nước chảy xiết, lại là nơi ẩn trú của cặp rắn thần; mồng đỏ như mồng gà, nên ít người léo hánh. Nhiều người đã từng gặp cặp rắn thần này, rắn có đường kính 1 tấc, dài khoảng 1,4m; cặp rắn trú ngụ ở suối, rồi qua lại chùa nằm im khi nghe sư thầy đọc kinh, có phải do hiểu được tiếng người và về đêm phát sáng của rắn lan tỏa một vùng nên mọi người gọi là cặp rắn thần. Cách đây ít năm, anh Tính ở công an huyện tăng cường cho miền núi khi lên xuống vùng này, 2 lần anh chứng kiến rắn to và dài như trụ điện nằm vắt ngang qua đường; anh Trị, cán bộ thương nghiệp huyện, hiện về làm trang trại ở cây Dầu Ba - La Bá cho biết: Những người Phan Rang vào khai thác chình trên lòng hồ Lòng Sông đã nhiều lần chứng kiến cặp rắn cất đầu cao 5m khỏi mặt nước vượt lòng hồ hướng về chùa Đá Mẹp.  Trong tác phẩm “Thuốc Đắng” ở tập truyện “Vết nhạn lưng trời” của Huỳnh Trung Chánh, có nói chính rắn mai gầm rất độc và khi ai bị cắn uống nước suối rắn sẽ giảm đau, tươi tỉnh nên nhiều người đã uống  nước này để được lành bệnh. Suối Rắn từ đó được người dân quen gọi là suối Vĩnh Hảo (Vĩnh Hảo là tên một sư thầy từng trụ trì chùa Đá Mẹp được dân chúng đặt tên cho vùng đất này khi thành lập làng).

Ngoài ra, xung quanh ngôi chùa có khá nhiều phế tích thành lũy đá còn sót lại dài hàng trăm mét, nhiều lưu truyền đây là hệ thống phòng ngự cuối cùng của vương triều Chăm Pa. Trong vùng đất này còn có chùa Linh Sơn Tự, ngôi chùa nhiều huyền thoại, nơi muôn thú quy tụ về đây nghe kinh Phật khi nhận được tiếng chuông chùa, trong số loài vật này có một Bạch Hổ. Theo anh Sáu Ngưỡng, người Vĩnh Hảo kể rằng:  Theo lưu truyền, Bạch Hổ quy phục dưới chân nhà sư Bữu Tạng nghe kinh, giữa họ có sự thông hiểu ngôn ngữ giao tiếp. Hiện nay, tại chùa có hang đá nhỏ thờ thần Bạch Hổ. Vùng đất này còn có câu chuyện tình diễm lệ giữa Chế Mân và Huyền Trân công chúa. Trong một lần tuần du đến vùng đất này, công chúa từ ngạc nhiên đến say sưa trước vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây. Khi tắm suối Vĩnh Hảo vừa bước lên công chúa bất chợt phát hiện những bông mai rừng tuyệt đẹp, càng chiêm ngưỡng càng ngất ngây trước vẻ đẹp quý phái và thanh tao của hoa mai nên không tiếc lời ca ngợi. Bỗng dưng, Chế Mân phát hiện trong đôi mắt công chúa đăm chiêu, sâu lắng nỗi buồn nhớ quê nhà, nhớ cây đào miền Bắc. Chế Mân đã ra lệnh cho thuộc hạ trồng cả một vườn mai tặng công chúa để “người đẹp” vui, mà bớt nhớ cố hương. Trong truyền thuyết trên thì đây là vườn “Hoàng Mai”, còn theo lưu truyền và người đi rừng gặp được thì đó là vườn “Bạch Mai”.

 Thay lời kết

Đây là vùng đất với nét hoang sơ, cảnh quan đẹp, nép mình giữa lòng núi, gắn với vùng biển hoang sơ, ẩn chứa bao điều kỳ bí vừa huyền thoại vừa lịch sử. Đến đây chúng ta sẽ có cảm giác thanh thản, lâng lâng giữa thực và hư, một cảm giác vô thường. Điều mà tôi nghĩ, giữa cuộc sống bôn ba, ồn ào hiện tại, đây chính là một trong những nơi ta tìm về với chính mình, với quá khứ, với nguồn cội.

Cát Bay


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Hảo  - vùng đất nhiều huyền thoại