Có nên tiếp tục cho phép khai thác cát sông?

05/01/2017, 09:03

Lợi ít, hại nhiều

Cách đây chưa lâu, dòng sông La Ngà đoạn chảy qua địa phận thôn 6, xã Gia An, huyện Tánh Linh đã diễn ra tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, làm mất mát đất đai, thiệt hại hoa màu của nhiều hộ dân địa phương. Sự trùng hợp “ngẫu nhiên”, cũng trên dòng sông này cách đó 4 km, 2 doanh nghiệp tư nhân (Xuân Trường, Minh Châu) trong thời gian được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông, hoạt động liên tục suốt ngày, đây là nguyên nhân gián tiếp làm ảnh hưởng dòng chảy, sạt lở bờ sông La Ngà. Nhiều người dân địa phương không khỏi lo lắng về tình trạng này. Hiện tại các doanh nghiệp trên giấy phép đã hết hạn, không còn hoạt động, nhưng những khu vực đoạn, khúc sông đã khai thác cát số lượng lớn trước đó hầu như đều bị sạt lở vào mùa mưa, bão hàng năm. Một số diện tích đất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng. Bởi trong những năm qua, đã có hơn 445.000 m3 cát dưới lòng sông La Ngà chảy qua 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh đã được khai thác hợp lệ, từ các doanh nghiệp có giấy phép.

         
   

   

            Một đoạn sông La Ngà bị bồi lấp.

Trước đó, xuất phát từ nhu cầu xây dựng nhiều công trình công cộng, dân dụng trên địa bàn hai huyện Tánh Linh, Đức Linh, cơ sở đề xuất của chính quyền địa phương huyện, xã; tránh tình tạng khan hiếm nguồn cung, phát sinh khai thác cát trái phép ảnh hưởng môi trường. UBND tỉnh đã cấp 8 giấy phép khai thác cát dưới lòng sông La Ngà. Hiện 4 giấy đã hết hạn khai thác (DNTN Xuân Trường, Minh Châu) nằm trong số đó. 4 giấy phép còn hạn khai thác, nhưng thực tế 3 giấy chưa được gia hạn thuê đất nên chưa đủ điều kiện khai thác, gồm: Công ty TNHH Thanh Quang, Công ty TNHH Thanh Hải, DNTN Bình Dương. Chỉ có một doanh nghiệp được gia hạn thuê đất đang hoạt động khai thác lòng sông là Công ty TNHH Hải Phi. Được biết, tổng trữ lượng của 4 giấy phép còn hạn là 251.000 m3, trong tổng trữ lượng 8 giấy phép được cấp những năm qua hơn 1 triệu m3. Khai thác cát sông trữ lượng lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sinh thái khu vực, UBND tỉnh cũng đã cảnh báo doanh nghiệp được cấp phép trong “tình thế” này, hoạt động khai thác cát sông nếu không thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế khai thác mỏ, gây sạt lở bờ sông, mất đất nông nghiệp của người dân hai bên bờ, làm hư hỏng đường giao thông; vận chuyển cát quá tải trọng sẽ bị dừng thực hiện. Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 686/UBND-KTN (10/3/2015) chỉ đạo, nếu có gây sạt lở làm thiệt hại dân thì chủ dự án phải bồi thường. Đồng thời điều chỉnh quy mô, thiết kế từng dự án theo hướng giảm bớt các điểm khai thác, cắt bỏ những điểm khai thác đã gây sạt lở; điều chỉnh thiết kế từng dự án theo hướng thu hẹp chiều ngang, độ sâu khai thác để tránh sạt lở; khi tiến hành khai thác phải đăng ký cho xã, thôn, nhân dân để biết theo dõi, giám sát. Còn gần hơn, tại Công văn số 2374/UBND-KTN ngày 6/7/2016, UBND tỉnh tạm dừng xem xét giải quyết cho đơn vị mới khai thác cát lòng sông La Ngà. Đây là động thái tích cực của tỉnh nhằm hạn chế tác động của con người vào dòng sông.

Cho đấu thầu mỏ cát xây dựng

Đối với những doanh nghiệp đã và đang xin gia hạn giấy phép khai thác cát trên sông La Ngà, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh mời gọi đơn vị tham gia đấu giá mỏ cát xây dựng. Được biết, nhiều tháng nay, Sở Tài nguyên & Môi trường đã giới thiệu 26 khu vực điểm mỏ cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia đấu giá. Cụ thể ở huyện miền núi Tánh Linh có mỏ sét thôn 1, Gia An; mỏ đá chẻ Đức Bình; huyện Đức Linh có mỏ vật liệu san lấp Đồi Mâm Xe xã Đông Hà, cát xây dựng xã Tân Hà. Gần đó, huyện Hàm Tân sở hữu mỏ cát bồi nền thôn 2 Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Xuân. Hàm Thuận Nam có các mỏ cát xây dựng, bồi nền, vật liệu san lấp tại Tân Lập, Hàm Kiệm, Hàm Cần. Tuy Phong với mỏ cát bồi nền: Giếng Chuông xã Bình Thạnh, Sũng Heo xã Hòa Minh. Huyện Bắc Bình với mỏ đá xây dựng Núi Dây, thôn Láng Xéo, xã Sông Bình; Núi Rễ xã Bình Tân; Trũng Chiễu Tân Hòa (Sông Bình); mỏ cát bồi nền thôn Suối Nhuôm (Sông Lũy). Huyện Hàm Thuận Bắc có mỏ cát bồi nền thôn 5, thôn 6 (Hàm Đức), cát xây dựng xã Hàm Chính. TP Phan Thiết với mỏ cát bồi nền Thiện Nghiệp, Tiến Thành. Theo quy định, mỗi khu vực mỏ có 3 hồ sơ tham gia dự thầu; doanh nghiệp có báo cáo tài chính rõ ràng trong 3 năm gần đây. Qua thẩm định hồ sơ dự thầu, Sở TN & MT đã tổ chức đấu giá, chỉ có 4 doanh nghiệp trúng thầu. Cụ thể, DNTN Sơn Thắng (TP. Phan Thiết) được làm thủ tục tại mỏ cát xây dựng xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc rộng 15 ha. Tương tự, Công ty TNHH Trung Nguyên - mỏ vật liệu san lấp Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) rộng 20 ha; Công ty TNHH Nguyên Bình - mỏ cát bồi nền xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết rộng 17 ha; DNTN An Tiến - mỏ sét nguyên liệu gạch Gia An (Tánh Linh) rộng 7 ha. Hiện nay, Sở Tài nguyên & Môi trường đang mời gọi đấu giá đợt 2. Việc đấu giá các mỏ cát xây dựng khả quan sẽ hạn chế tối đa doanh nghiệp xin phép khai thác cát sông - chỉ giải quyết nguyên liệu trước mắt nhưng để lại tác hại lâu dài cho môi trường trong khu vực.

Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên tiếp tục cho phép khai thác cát sông?