Niềm vui không trọn vẹn trên những con đường mới

20/12/2016, 14:52

BT- Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông, vào tháng 4/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận đã có quyết định phê duyệt kỹ thuật các công trình sửa chữa tuyến đường nội thành Phan Thiết. Nhờ đó, đã có 4 tuyến đường xuống cấp tại Phan Thiết được thi công, đáp ứng mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, những công trình sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ này khi đi vào hoạt động đã nảy sinh nhiều vướng mắc cho người dân, khi nơi đường làm một nửa, bỏ lại một nửa, nơi đường mới làm lại ngập chìm trong nước.

Tuyến đường mà chúng tôi muốn nhắc đến trước tiên đó chính là đường Nguyễn Khuyến - thuộc địa bàn khu phố C, phường Thanh Hải. Chỉ sau vài cơn mưa do áp thấp gây ra, vào sáng 13/12, chúng tôi có mặt tại tuyến đường và ghi nhận cả một đoạn đường dài gần 100m bị chìm trong nước. Đáng nói, đây là tuyến đường bêtông mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2016. “Khi đơn vị trúng thầu công trình đường Nguyễn Khuyến là Công ty TNHH xây dựng Thanh Toàn bắt đầu thi công, chúng tôi đã góp ý vì lo ngại việc lấy quá nhiều đất nền ở đoạn giữa sẽ tạo ra vùng trũng, gây tình trạng ứ đọng nước. Trong khi đó đây là tuyến đường không được đầu tư hệ thống thoát nước; toàn bộ nước thải, nước mưa phải thoát bằng cách bốc hơi hoặc xuôi xuống vùng đất thấp. Tuy nhiên phía đơn vị thi công đã cố tình không nghe góp ý”- anh Nguyễn Tấn Cường, khu phố C, phường Thanh Hải bức xúc.

Tuyến đường Nguyễn Khuyến có chiều dài 385m, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án quốc lộ 55 là đơn vị được ủy quyền quản lý dự án. Do được đầu tư từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ nên công trình chỉ thực hiện bêtông - ximăng 4m lòng đường. Còn lại 1m nền đường được đắp đất cấp 3 và không có hệ thống thoát nước. Trong bản thiết kế công trình, nước trên mặt đường sẽ thoát tự nhiên về 2 hướng là hệ thống cống đường Thủ Khoa Huân và thoát ra biển. Tuy nhiên trên thực tế, có một đoạn đường gần 100m nằm ở đoạn giữa lại bị thi công nằm trũng xuống. Chính vì vậy khi nước mưa trút xuống, toàn bộ nước trên mặt đường đọng lại. Một khúc đường như biến thành một nhánh sông. “Người dân qua lại đoạn đường hết sức khó khăn. Trong nhưng ngày mưa, nước tồn đọng lại rất nhiều khiến các em học sinh, người già đi lễ hết sức vất vả. Các nhà nằm sát mép đường thường xuyên chịu cảnh ngập nước khi mưa xuống” - ông Trương Văn Minh, một hộ dân sống dọc tuyến đường Nguyễn Khuyến nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh -Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hải, trong quá trình Công ty TNHH xây dựng Thanh Toàn thi công đường Nguyễn Khuyến, địa phương có nhận được tin báo của người dân lo ngại cốt nền khu vực giữa đường quá thấp, có thể gây ngập úng khi mưa xuống. UBND phường cũng đã xuống trực tiếp khảo sát hiện trạng và trao đổi với đơn vị thi công. Phía thi công cũng đã hứa sẽ khắc phục bằng cách lắp đặt thêm các hố ga thoát nước. Tuy nhiên từ tháng 10/2016 đến nay vẫn chưa thực hiện.

Nhờ sự quan tâm của các sở, ngành, nên trong năm 2016 có 4 công trình đường giao thông trên địa bàn TP. Phan Thiết được nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Ngoài tuyến Nguyễn Khuyến thì còn 3 con đường nữa đó là đường Tô Hiệu, Tô Ngọc Vân và Võ Liêm Sơn. Người dân hết sức vui mừng vì những bức xúc bấy lâu về tình trạng đường sá xuống cấp được quan tâm xây dựng, sửa chữa. Tuy nhiên, niềm vui của những người dân đang sống trên các tuyến đường này lại không được trọn vẹn. Nếu như đường Nguyễn Khuyến mới làm xong nước ngập lênh láng thì đường Tô Hiệu (phường Mũi Né) làm một nửa, bỏ lại một nửa gây ra sự bức xúc. Con đường này cũng được đầu tư từ Quỹ bảo trì đường bộ và do Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận làm chủ đầu tư. Mặc dù toàn tuyến có tổng chiều dài đến 1,1km nhưng chỉ được thi công 421m nơi tuyến đầu.  Được biết, dọc tuyến đường Tô Hiệu đoạn qua khu phố 12, phường Mũi Né có hơn 200 hộ dân sinh sống, nên hằng ngày lượng xe cộ qua lại rất đông. Bên cạnh đó, đoạn cuối của con đường có di lịch lịch sử văn hóa cấp tỉnh là Lăng Nam Hải, nên du khách thường xuyên di chuyển ra vào đây tham quan hàng ngày. Việc mặt đường xấu khiến người tham gia giao thông hết sức khó khăn. “Trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của đường Tô Hiệu, chúng tôi đã tự chở vật liệu xà bần để lấp những ổ voi, ổ gà. Một số hộ còn tự bỏ tiền để thuê xe chở đá dăm về khắc phục tạm tình trạng xuống cấp. Tuy nhiên chỉ qua một vài cơn mưa, đất sỏi trên mặt đường lại bị cuốn trôi và toàn bộ mặt đường lại xuất hiện tình trạng nhếch nhác” - ông Trần Đình Quang – Bí thư Chi bộ khu phố 12, phường Mũi Né nói.

Nơi thì đường làm một nửa, bỏ lại một nửa; nơi thì đường làm không thể thoát nước gây bức xúc cho người dân. Người dân cho rằng, nếu khi mới khởi động các công trình trên, chủ đầu tư có sự phối hợp tốt với địa phương và người dân thì có thể vận động các hộ đóng góp thêm kinh phí để đầu tư hệ thống thoát nước, lề đường. Qua đó có thể cùng chia sẻ khó khăn về kinh phí đầu tư của Nhà nước, mà người dân có thể hưởng trọn vẹn niềm vui khi lưu thông trên những con đường mới.

Châu Tỉnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui không trọn vẹn trên những con đường mới