“Săn” cá ở Trường Sa

28/12/2016, 16:06

BT- Câu cá ở Trường Sa không chỉ vui vì giật được một con cá lớn mà còn vui vì khán giả cổ vũ. Mỗi khi có người câu được cá là cả tàu chạy lại để coi. Cô phóng viên Phạm Minh Hiền, Đài PH-TH Quảng Ninh, lần đầu tiên ra Trường Sa đã thốt lên “em không nghĩ coi câu cá mà vui vậy đó. Reo hò như một trận đá bóng ở đất liền”.

                

Câu phục

Tàu HQ – 936, chở đoàn công tác số 2 chúng tôi rời quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 20/12/2016. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đến được đảo Đá Lớn. Tàu được neo lại để vận chuyển quà của người dân cả nước tặng đảo Đá Lớn vào trước, sáng mai đoàn cán bộ mới vào đảo. Lịch công tác vừa dứt trên hệ thống loa phát thanh thì đã có tiếng nói của ai đó vang lên trên boong tàu “chuẩn bị đồ thôi”. Tôi không hiểu hôm nay đoàn ở lại tàu mà việc gì phải chuẩn bị đồ. Lang thang qua khoang lái tôi thấy hai cán bộ hì hục với mớ lưỡi câu, kềm và dây thép. Hóa ra, “đồ” mà mọi người nói là làm dây câu. Cách làm dây câu của bộ đội Trường Sa cũng rất đặc biệt, lưỡi câu không được nối trực tiếp với dây cước như bình thường. Lưỡi câu được gắn với một đoạn dây thép dài khoảng 20cm rồi mới được nối với dây cước. “Ở Trường Sa có rất nhiều cá lớn, cá thu ngừ 3 - 5 kg là loại nhỏ. Vì nhiều cá lớn nên dây câu phải làm cho thật chắc chắn nếu không là bị cá cắn đứt. Đoạn thép dài 20cm có tác dụng chống chọi lại hàm răng sắc như dao cạo của những chú cá chình, cá sủ”, thiếu tá Nguyễn Tiến Beo, Lữ đoàn 146 cho biết. 17h30 phút, bữa cơm chiều vừa xong đã có người lục đục mang câu ra thử vận may. 18h, màn đêm dần bủa vây con tàu hơn 1.000 tấn, số lượng cần thủ tham gia ngày càng tăng. 19h, tàu HQ – 936 bật đèn pha dụ cá chuồn. Thấy ánh sáng, cá chuồn tìm đến dày đặc. Người ta chỉ cần đứng ở mạn tàu, dùng cây vợt thật dài để vớt cá chuồn. Với các loại cá khác thì không nói, chứ riêng cá thu ngừ thì dùng mồi cá chuồn là giật mỏi tay.

Ở quần đảo Trường Sa hiện vẫn còn lưu giữ một kiểu câu khá độc đáo - câu phục. Thoạt nghe, không ai hình dung kiểu câu độc đáo này. Từ trước đến nay tôi chỉ nghe câu lăng, câu cấu cuốn chứ câu phục thì chưa nghe bao giờ. Câu phục là kiểu câu được cán bộ, chiến sĩ ở các đảo chìm sáng tạo từ khá lâu. Để thực hiện câu phục, người ta phải chuẩn bị một đường dây cước thật dài, thường vào khoảng hơn 100m. Loại dây cước này to khoảng 1/2 đường kính chiếc đũa. Câu phục được thực hiện vào lúc thủy triều rút, nước ở các rạn san hô xuống thấp nhất. Khi đó, cán bộ, chiến sĩ các đảo chìm sẽ lội ra mép xanh (nơi tiếp giáp giữa rạn san hô và đại dương), dùng mồi đã chuẩn bị sẵn thả xuống nước. Để dây câu không bị sóng cuốn đi, người ta dùng một cục đá cỡ bằng viên gạch đè lên. Tiếp đó, người câu sẽ kéo sợi dây dài từ vị trí đặt mồi lên đến sân đảo. Ở đó, người câu dùng một vỏ lon sữa hoặc chai nhựa buộc vào. Xong xuôi đâu đó, người câu chỉ việc ngồi uống nước trà chờ cá cắn câu. Khi cá cắn câu sẽ kéo sợi dây ra xa và kéo luôn vỏ lon. Vỏ lon va vào nền sân sẽ tạo ra tiếng động báo hiệu. Người câu chỉ việc nắm sợi dây và đưa chiến lợi phẩm vào bờ. Vì thả mồi ở nơi nước sâu nên câu phục thường bắt được các loại cá to. Tuy nhiên, kiểu câu này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình thả mồi ở mép xanh nên hiện nay kiểu câu này bị cấm. Cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm hiện nay chỉ được thả lưới và lặn ở rạn san hô ven đảo.  

Những loại cá “lì” nhất đại dương

Câu cá ở Trường Sa có nhiều cái thú, có khi vừa thả câu đã được một em thu bè trắng bóc, nhưng cũng có lúc ngồi từ tối tới sáng chẳng được con cá nào. Người câu cá Trường Sa ngại nhất là gặp phải những loại cá khó chơi. Đứng đầu bảng trong số đó là cá chình. Loại cá này khi chưa chui được vào hang thì chỉ cần 5 phút là xong. Nhưng khi nó đã vào được hang thì phải mất vài tiếng mới kéo được lên tàu. Gặp cá chình lớn thì cắt dây là chuyện bình thường. Ngày 22/12, khi tàu chúng tôi đến đảo Đá Lớn, đại úy Lê Tùng Lâm, cán bộ Lữ đoàn 146 Hải quân câu được một “em” cá chình bông loại “xưa nay hiếm”. Mất hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn với những cú ghì, cú giật, con cá chình nặng gần 15 kg được đưa lên boong tàu. Tiếng reo hò của mọi người vang lên khắp boong tàu. Có người muốn lại chụp ảnh cùng con “quái vật biển cả” thì đại úy Lâm cản lại. Lên đến tàu nhưng cá chình vẫn chưa hết nguy hiểm. Hàm răng sắc nhọn của nó có thể cắn đứt da người.

Đứng thứ 2 về độ khỏe là cá sủ. Cá sủ không như cá mú. Cá mú khi lên cách mặt nước khoảng 10m là nổi phềnh. Cá mú nổi nhanh là do đến gần mặt nước bóng thở bị nổ, với những con cá lớn người ta có thể nghe được tiếng “bụp” trước khi cá nổi lên. Còn cá sủ thì khác, lên đến mặt nước vẫn cắm đầu bơi xuống biển sâu. Thiếu tá Lê Văn Viễn vẫn nhớ lần vật lộn với chú cá sủ nặng 80kg ở khu vực đảo Thuyền Chài. “Cá sủ mạnh lắm. Nó không chui vào hang như cá chình mà khi dính câu nó cắm đầu bơi xuống. Để làm nó mất sức, người câu phải biết cách. Lúc đầu chỉ cần giữ chắc dây câu để cho nó bơi. Đến khi kiệt sức thì mới kéo lên”, thiếu tá Viễn chia sẻ. Cũng trong năm 2013, thiếu tá viễn câu được con cá mú đen hơn 90kg. Còn kỷ lục về câu số lượng cá nhiều nhất trong một đêm đang thuộc về đại úy Lê Tùng Lâm, người được mệnh danh là sát cá số 1 tàu HQ – 936. Năm 2010, một đêm anh câu gần 50 con cá ngừ.

Sau những phút vật lộn với những con cá, thú vui của đoàn là hưởng ngay chiến lợi phẩm. Cá câu lên được luộc với chút sả cho dậy mùi thơm. Đặc sản trên những chuyến tàu công tác Trường Sa là món gỏi cá thu ngừ. Con cá còn dãy đành đạch được đưa ngay vào bếp thái ra từng miếng mỏng như tờ giấy. Những miếng thịt đỏ tươi được để lên trên một lớp đá lạnh rồi vắt chanh vào. Nước chấm là mù tạt pha xì dầu. Gắp một miếng cá thu ngừ chấm sâu vào trong nước mù tạt bỏ vào trong miệng nhai thật nhẹ. Cảm giác như miếng cá ngừ tan chảy trong miệng. Vị ngọt của thịt cá, mùi thơm của chanh, cay cay của mù tạt tạo ra một hương vị lâng lâng. Nói theo cách vui của nhóm phóng viên báo chí “được ăn gỏi cá thu ngừ Trường Sa thật là vinh dự cái miệng”...

Trường Sa ngày càng hiện đại, sóng điện thoại, sóng truyền hình đã phủ khắp quần đảo. Nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời và điện gió nơi đây đã có điện 24/24. Trườngsa đã gần hơn với đất liền và những giây phút câu cá trên biển đảo quê hương là những kỷ niệm không thể nào quên...

Ghi chép của NguyỄn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Săn” cá ở Trường Sa