Bác sĩ gia đình: Xa mà gần

17/12/2016, 08:22

BT- Phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, vấn đề không chỉ để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Ảnh minh họa

Hình thành manh nha

Những ngày chuyển tiết vừa qua, mẹ anh Nguyễn Hoàng Tân ở Phú Thủy -TP. Phan Thiết luôn đau nhức trong người, lúc huyết áp tăng, lúc thở không được nhưng anh vẫn đi làm đều. Việc chăm sóc mẹ bệnh ở nhà đã có vợ anh và có bác sĩ quen lo. Từ nhiều năm trước, cứ mỗi khi mẹ trở bệnh là anh mời một bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh đến khám tại nhà, kê toa. Từ đó, bác sĩ ấy thành quen, luôn thăm khám, dặn dò bệnh và tư vấn gia đình anh đưa cụ đi khám ở những nơi để sức khỏe cụ tốt hơn, còn mẹ anh mỗi khi thấy khó ở thì đều bảo kêu bác sĩ ấy đến. Nhờ vậy, cả nhà đều yên tâm, dù trong nhà có người già, trụ cột trong gia đình là anh luôn vắng nhà vì công việc. Tất nhiên, bù cho điều ấy, chi phí trả cho bác sĩ cũng không phải ít.

Không chỉ gia đình anh Tân, nhiều gia đình khá giả khác trong TP. Phan Thiết có người già đều chọn một bác sĩ thân thiết  với gia đình mình. Điều này xuất phát từ nhu cầu chữa bệnh  của những gia đình có điều kiện, khi không muốn mất thời gian chờ đợi tại bệnh viện cũng như muốn được  chữa trị đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, bởi thực tế tình hình khám chữa bệnh chung tại tỉnh đang có những bức xúc. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều luôn trong tình trạng quá tải; phải điều trị cả những  bệnh thông thường..., trong khi các trạm y tế phường, xã lại rất vắng bệnh nhân. Đây là tình trạng chung, và để khắc phục cần đến vai trò của bác sĩ gia đình.

Năm 2020, Bình Thuận có bác sĩ gia đình

  Cách chữa bệnh cho mẹ của anh Tân là đúng kiểu của bác sĩ gia đình. Bác sĩ thân thiết hiểu được cơ chế bệnh, biết rõ về người bệnh, tiền căn, hoàn cảnh sống của họ… mà theo nghĩa của WHO là chăm sóc toàn diện, liên tục. Tuy nhiên, vấn đề khác ở đây là chi phí điều trị đắt đỏ chứ không theo hướng của mô hình bác sĩ gia đình mà một số tỉnh, thành đang làm thí điểm là bệnh nhân không phải chi trả quá nhiều chi phí y tế. Một mô hình đang chuyển tải 3 yếu tố là khoa học, nhân văn và rất kinh tế. Ngay cả tên gọi nhiều người nghĩ ngay đến kiểu bác sĩ phải đi đến tận nhà bệnh nhân thăm khám nhưng thực tế, bác sĩ gia đình phải được hiểu rộng và sâu hơn là chăm sóc bệnh nhân ban đầu một cách toàn diện, liên tục kể cả khi người đó chuyển đi nơi khác (nếu có) và đến hết cuộc đời. Bởi thế, bác sĩ gia đình phải được đào tạo chuẩn mực, phải giỏi toàn diện mới thực hiện được chức năng, nhiệm vụ chăm sóc ban đầu…

Trong bối cảnh này, Bình Thuận cũng đang xúc tiến các bước để mở các lớp đào tạo chuyên ngành bác sĩ gia đình. Những bác sĩ đa khoa công tác tại các trạm y tế sẽ tham gia học lớp đào tạo này trong một thời gian. Ông Nguyễn QuốcViệt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, vào năm 2020,  tỉnh sẽ triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Tại các trạm y tế trong tỉnh đều có bố trí bác sĩ gia đình, từ đó sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe ban đầu của  dân tốt hơn.

M. Long


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác sĩ gia đình: Xa mà gần