Thành, bại là do cán bộ tốt hay kém

16/12/2016, 08:59

BT- Đảng ta đang tổ chức triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền các cấp. Do tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của nghị quyết, đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tinh thần của nghị quyết là phải hành động, hành động thiết thực, rõ hiệu quả, tránh nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói mà không làm… tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, khi quán triệt, triển khai nghị quyết thì rầm rộ, nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm”.

Nét mới của nghị quyết là chỉ ra rất cụ thể 27 biểu hiện suy thoái đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 suy thoái về đạo đức lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Yêu cầu đầu tiên khi quán triệt nghị quyết là cán bộ đảng viên phải nhận diện được 27 biểu hiện suy thoái để tự “soi” lại mình. Công tác tổ chức cán bộ có ý nghĩa sống còn đối với một Đảng cầm quyền, nên Đảng ta đã chỉ ra rất cụ thể các biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ đảng viên như:

- Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, hoài nghi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác, nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu.

- Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.

- Tham vọng chức quyền, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội…

- Khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật, trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

- Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình tranh thủ bổ nhiệm người thân, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn.

- Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

- Mắc bệnh “thành tích” háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu.

- Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình…

Trong khi việc xử lý các cán bộ liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh chưa kết thúc, mấy ngày gần đây báo chí lại phát hiện thêm những bất thường trong bổ nhiệm cán bộ ở những đơn vị khác. Điều đó cho thấy nếu không siết chặt công tác cán bộ thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Bởi chính sách, đường lối có đúng đắn, sáng suốt đến mấy, mà cán bộ kém, hư hỏng, thì cũng thất bại. Đúng như Bác Hồ đã dạy “Cán bộ là gốc của mọi công việc… công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Suy thoái đã đến mức nghiêm trọng, đe dọa cả sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy lúc này không còn đường lùi cho cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm, dù đau đớn nhưng nhất định phải làm cho mạnh mẽ, quyết liệt, mới lấy lại được niềm tin của nhân dân.

Đặng Dũng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành, bại là do cán bộ tốt hay kém