Người và việc: Thuần dưỡng, kinh doanh gà rừng                   

30/12/2016, 08:23

BT - Nguyễn Hoàng Dũng, hơn 30 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân đã ít nhiều thành công trong việc thuần dưỡng, kinh doanh gà rừng.

         
   

Nguyễn Hoàng Dũng, chủ nhân của căn nhà nhỏ và vườn cây rộng luôn tươi cười đón khách, sẵn sàng mời họ xem những con gà rừng do một tay anh  thuần dưỡng.

Trong câu chuyện với khách, chủ nhân của ngôi nhà thường kể: Ngày trước rừng còn nhiều anh rất ham đi rừng, cũng như ở lại trong các khu rẫy giữa rừng. “Không biết từ lúc nào tôi mê vẻ đẹp của gà rừng, những con vật nhỏ vóc so với gà ta, nhưng rõ ràng là lông nó sặc sỡ, đuôi dài, dáng vẻ thì rất chi là oai vệ. Xem con gà rừng gáy, lúc nào cũng thấy nó đĩnh đạc và kiêu hãnh. Đặc biệt, nghe chúng gáy, cảm nhận là tiếng rất vang”.

Vào rừng săn gà

Từ sự mê thích, Nguyễn Hoàng Dũng trở thành người săn, đặt bẫy gà rừng lúc nào không hay. Đồ nghề của anh là một chú gà mồi, băng cassette có tiếng gà rừng gáy, 10 chiếc bẫy giò (loại bẫy làm bằng dây phanh xe đạp nối với sợi dây dù làm thòng lọng), một tấm lưới và thức ăn, nước uống… Dũng cùng một số người bạn thường đi sâu vào các khu rừng, nơi có nhiều bụi rậm, các con suối chảy giữa  vùng đồi có trồng hoa màu của dân, nơi gà rừng có thể tìm được thức ăn. Kinh nghiệm của Hoàng Dũng là người đi bẫy gà phải biết nhìn dấu chân gà in trên mặt đất để biết: nơi mình định đặt bẫy có nhiều hay ít gà, nếu chỉ có một con thì chẳng bõ công đặt bẫy. 

Cách thức đặt bẫy

Khi đã xác định được nơi có gà rừng, Hoàng Dũng tính toán để đặt những chiếc bẫy. Các sợi dây phanh xe đạp được cột vào các cành cây rừng có sức bật mạnh. Sau đó dùng đinh vít cắm xuống đất để giữ cho bẫy không bật lên, rồi dùng lá khô phủ lên sợi dây bẫy. Tiếp theo là đặt con gà rừng (mồi) đã thuần dưỡng vào bên trong  vòng dây bẫy. Sau cùng là nối sợi dây điện có công tắc đến máy cassette để khi cần cho máy phát  tiếng gà rừng gáy, hỗ trợ cho gà mồi. Anh Dũng cho biết, loài gà rừng rất tinh khôn, chỉ cần nghe tiếng động lạ là bay tán loạn và không quay lại chỗ cũ. Khi đặt bẫy xong phải tìm chỗ ẩn mình chờ đợi, cũng như không quên quan sát.

    
      Quốc lộ 55, lưng chừng con dốc có tên gọi là dốc Động Đền, hướng về Bà   Rịa - Vũng Tàu, trong hơn một năm nay là điểm tìm tới của nhiều người   ham thích vật nuôi lạ.

Trong không gian yên ắng ấy, gà mồi theo thói quen sẽ  cất tiếng gáy vang. Khi gà mồi thôi gáy, từ chỗ ẩn nấp, Hoàng Dũng sẽ bật công tắc điện để máy cassette giấu dưới gốc cây, phát tiếng gà rừng gáy, hỗ trợ gà mồi.

Gà rừng rất cạnh tranh tiếng gáy. Nếu may mắn, chỉ một lúc sau sẽ có tiếng gà rừng đáp lại. Một hoặc vài chú gà rừng đuôi dài như sóc, chân chì, cựa dài nhọn, bộ lông đỏ, từ các hướng xuất hiện, kiêu hãnh nhìn chú gà mồi - kẻ xâm nhập “gia cư bất hợp pháp” như muốn ra đòn nhưng nó vẫn giữ khoảng cách để thăm dò. Lúc đó, con gà mồi, cũng rướn cổ lên gáy như khiêu khích. Không chịu đựng được, chú gà rừng điên tiết lao vào  để cặp chân vướng phải sợi dây bẫy. Một tiếng “phựt” khô khốc vang lên, con gà rừng lúc này bị treo tòn ten, liên tục đập cánh  phành phạch, miệng kêu quang quác chỉ muốn thoát ra. Lúc này việc của Hoàng Dũng là cẩn thận gỡ con gà rừng mắc bẫy bỏ vào chiếc lồng để gần đấy.

“Có một số người thay vì đặt bẫy thì dùng lưới”, Hoàng Dũng nói. Lưới được giăng  xung quanh, chừa một lối vào. Sau đó nhiều người chia từng góc rừng để lùa gà vào lưới. Khi đang lùa, gà rừng chạy đến hướng người nào thì người đó cần đứng im vì nếu tiếp tục lùa nó sẽ bay lên cao mà không mắc vào lưới. Nếu may mắn có ngày cũng lùa được mươi con.

Thuần dưỡng và nhân giống

Hoàng Dũng làm cái chuồng khoảng 50m2 sau nhà, phía trên bao lưới B40 để thuần dưỡng gà rừng. Đầu tiên, phải nhốt vào lồng che kín (gà rừng rất nhát, chúng thấy bóng người sẽ không ăn nên dễ chết). Trong chuồng, Dũng còn thả vài con gà tre để gà rừng có bạn. Nếu chỉ thả riêng biệt gà rừng thì rất khó thuần. Nhất là lúc cho ăn, khi rải thóc vào chuồng nếu không có gà tre chạy lại ăn thì gà rừng không dám lại. Thức ăn ở rừng của gà chủ yếu là cỏ, côn trùng nên phải cho chúng ăn đúng như thế và chêm thêm một số thức ăn nhà để tập quen dần. Thời gian gà rừng dạn và quen với môi trường mới  mất vài ba tháng.

Thời gian sau này, khi gà quen với môi trường mới, cứ để gà mái đẻ tự nhiên ở lùm cây trong vườn, để chúng tự ấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, gà rừng khi ấp rất khó nở, vì nhiệt độ và môi trường trong rừng khác với nhiệt độ và môi trường nuôi nhốt. Khi bầy con thật cứng cáp mới nên tách mẹ riêng.

Gà rừng con nuôi khoảng 5 - 6 tháng, giá bán mỗi con mái khoảng 500 ngàn đồng. Con trống từ 1 đến vài triệu đồng tùy thuộc vào dáng vóc hay vẻ đẹp rực rỡ của bộ lông. Những con xấu hơn bán gà thịt từ 300 - 350 ngàn đồng một con/kg. Anh Dũng nói: “Lúc đầu chỉ nghĩ nuôi làm cảnh nhưng không ngờ bán lại được giá cao giúp gia đình  tăng thu nhập. Bởi thế, gia đình anh đã đầu tư nhân giống để bán gà cho những ai yêu thích. Gà rừng có sức đề kháng miễn dịch cao trước các loại dịch bệnh thông thường, sinh trưởng ổn định.

Hiện anh Dũng đang có khoảng 50 con gà rừng thuần chủng, nhiều gà mái đang nuôi con. Khách hàng tới mua chủ yếu là khách Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và một số quán ăn đặc sản gà rừng. Anh nói: “Họ chủ yếu mua về làm cảnh để nghe tiếng gáy vào mỗi ngày. Giống gà rừng như chiếc đồng hồ báo thức gáy rất đúng giờ. Một số người chọn mua gà về đá cho vui nên họ cũng tuyển lựa rất kỹ. Với những con gà đẹp, lông đuôi dài thường không có hàng để bán”.

Anh Nguyễn Hoàng Dũng  cho hay: Không nhớ đã bán ra bao nhiêu con gà giống nhưng nhờ nuôi và thuần chủng giống gà rừng ổn định mà hàng tháng gia đình có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ đối với nhà nông. Ước muốn của anh sắp tới sẽ gia tăng thêm đàn gà giống để  thu nhập khá hơn.

Phan Tuyết


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người và việc: Thuần dưỡng, kinh doanh gà rừng