Chuối cấy mô, hướng đi hiệu quả

17/12/2016, 08:14

BT- Tất cả đều xuất phát từ vườn chuối của má tôi, vườn chuối bà Ton ở thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) này đây.

                
Vườn chuối cấy mô của ông Dũng.

Hai thế hệ gắn với cây chuối

 “Thương má cả đời gắn bó với cây chuối, khổ cực với cây chuối mà vẫn thiếu khổ, tôi quyết tâm về lại quê nhà đầu tư ngay chính cây chuối nhưng theo mô hình mới, trồng chuối cấy mô, quy mô lớn hơn, kỹ thuật mới hơn và tất nhiên hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”. Ông Dương Thanh Dũng tâm sự chân thành như vậy khi chúng tôi vào tham quan vườn chuối cấy mô bạt ngàn, xanh mướt của ông ở huyện Hàm Thuận Nam.

Ông Nguyễn Vĩnh Long là nông dân thôn Hiệp Nhơn, Tân Thuận, nhận xét: “Thấy mô hình mới của anh Dũng đến tham quan, cây chuối phát triển rất tốt, hợp thổ nhưỡng ở đây. Chúng tôi sẽ học kỹ thuật mới này để đầu tư trên vườn nhà của mình. Câu chuyện trồng chuối của anh Dũng xuất phát từ truyền thống gia đình và tình yêu thương người mẹ của mình làm cho chúng tôi thật sự xúc động”.

Một nông dân khác, ông Nguyễn Xuân Kỹ, người đã đến tham quan vườn chuối của ông Dũng lần thứ hai chia sẻ: “Kính nể anh Dũng là người đi tiên phong với  cách trồng chuối cấy mô này. Tôi theo dõi mấy tháng nay vì dự định sẽ đầu tư, trồng chuối ở đây quá hợp, cây chuối đang phát triển rất tốt, vấn đề là phải có quỹ đất để đầu tư lớn. Phát triển theo mô hình mới trên cái nền truyền thống, tôi nghĩ đó là một hướng đi hay”.

Ông Dương Thanh Dũng là người con của thôn Hiệp Nhơn, Tân Thuận. Lớn lên ông đi bộ đội, được chuyển sang chiến trường K. Sau đó, ông gặp bà Hồ Thị Nhiều, cùng kết hôn và lập nghiệp ở Tây Ninh. Dù cuộc sống có khấm khá hơn nhưng trong lòng ông vẫn luôn đau đáu một tâm nguyện là làm gì đó cho má, cho quê hương. Ông nói: “Từ bé tôi đã lớn lên từ vườn chuối bà Ton, ký ức tôi gắn với hình ảnh cây chuối. Tôi hiểu biết về cây chuối, tôi biết vùng đất này trồng chuối được. Cây chuối đầu tư nhẹ nhưng hiệu quả kinh tế cao. Tôi đi làm ăn khắp nơi và tham quan các vườn chuối lớn, tôi chọn giống chuối già Nam Mỹ, các tỉnh lân cận mình người ta đã trồng. Tôi nghĩ phải học tập cách trồng trọt mới, phải đầu tư lớn thì mới làm giàu được ngay trên quê nhà. Sau thời gian ấp ủ, chuẩn bị, tôi đã quyết định tiến hành kế hoạch về quê đầu tư này”.

 Trồng chuối cấy mô

Vườn chuối của ông Dũng trải rộng trên vùng đất 4 ha đã gần 5 tháng tuổi, cây chuối đã ngang tầm đầu người, xanh mướt. Có thể thấy ngay một quy cách bài trí trồng trọt hiện đại được thể hiện ở đây. Ông Dũng trồng chuối theo hướng đông tây để tránh gió giật, vặn gãy thân, gió sẽ tự luồn vào giữa các hàng mà thông đi. Cây hàng liếp đều tăm tắp, thẳng thớm, cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 2m, liếp cách liếp 4m.

Đây là giống chuối già Nam Mỹ, là giống chuối trồng xuất khẩu đang rất có triển vọng, vượt trội hơn so với giống chuối khác. Giống chuối già Nam Mỹ cấy mô này ông Dũng đặt mua ở vườn ươm Cây Gáo, Đồng Nai, giá 15.000 đồng/cây. Ông cho biết, trên diện tích 1 mẫu, ông trồng khoảng 2.200 cây giống (ông sẽ xen thêm vào thời gian tới vì nhận thấy ở đây nắng gió nhiều hơn nơi khác), chi phí đầu tư các loại khoảng 100 triệu đồng, sau 1 vụ (9 tháng) lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng. Trong 2 năm đầu sẽ thu hoạch được 3 vụ, sau đó mỗi năm được 2 vụ, 6 tháng có 1 buồng, mỗi cây mẹ chỉ đẻ 1 cây con. Trồng khoảng 5 năm thì phải cày bỏ, trồng cây khác một thời gian mới trồng lại cây chuối để tiêu diệt mầm bệnh.

 Khi được hỏi về phân bón và cách bón phân, ông Dũng vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi trồng bón lót 1 hố khoảng 5 kg phân đã ủ hoai, 3 tháng một lần bón phân chuồng các loại bổ sung. Lưu ý đào hố, bỏ phân, xáo lên xong phải để 10 – 15 ngày mới xuống giống. Cây chuối chịu phân hữu cơ nhưng phải ủ và chia làm nhiều lần bón bổ sung. Tổng cộng 1 ha bón 5 tấn... Cây chuối phát triển 4 tháng thì nảy cây con, khi cây con ra phải tỉa loại ngay vì chậm sẽ ảnh hưởng đến cây mẹ. Vòng sinh trưởng của chuối ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch là 9- 10 tháng do vậy khâu chăm bón phải lên lịch chi li ngay từ đầu. Cắt búp chuối trổ hết nải (khoảng 9-12 nải) kịp thời sẽ giữ một buồng chuối đúng tuổi nặng từ 20 – 35 kg. Khi chuối ra hoa bón NPK 20-20-15 và thêm kali để trái mẩy và ngon. Trái định hình thì bọc nilon để chống các loại côn trùng, sâu bọ, nhất là sâu vẽ bùa, rệp sáp làm cho trái xấu, mất giá, nếu cần thì phun thêm thuốc sinh học.

Khâu tưới nước cũng rất quan trọng, làm đường ống cái, trổ các dây phún theo các liếp để tưới luân phiên, tránh mất nước. Ông Dũng bơm nước từ giếng ra hồ để nước lắng, giảm độ PH mới bơm tưới.

Ngày cắt búp chuối phải ghi dấu, 11  tuần thì cắt quày, chuối không lên màu trước khi cắt nên dùng bút đầu nhọn để khắc hoặc dùng dây ni lon các màu để buộc quày theo từng đợt. Việc mướn công làm cũng được tính toán hợp lý, theo ông Dũng thì nên mướn theo thời vụ, chỉ cần cắm 2 người chăm thường xuyên cho cả 4 ha.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm một kinh nghiệm làm nông hiện đại: “Đã trồng xuất khẩu sang nước nào thì phải tường tận các vụ mùa của nước đó.  Xuất khẩu phải trồng né vụ mùa của Trung Quốc thì mới được giá cao. Năm vừa rồi giá xuất khẩu 17.000 đồng/kg nhưng nếu dính lúc chuối Trung Quốc đang thu ồ ạt thì giá rớt xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Chia tay ông Dũng và những người bạn nông dân đang tham quan vườn chuối, chúng tôi tin rằng sự đầu tư xuất phát từ một tâm nguyện tình cảm như vậy và cả việc áp dụng kỹ thuật hiện đại, công phu nhất định ông Dũng sẽ có những mùa chuối bội thu sắp tới. Chúc ông thực hiện tốt dự kiến tiếp theo là phát triển thêm 5 ha vào năm tới và nuôi thêm bò để chủ động nguồn phân chuồng như ông đã tâm sự. Mọi vấn đề trồng trọt hiện đại đều nằm trong tầm tay của nhà nông thì không cớ gì chúng ta không thoát nghèo được. Chúc bà con nông dân ngày càng tiếp cận được nhiều mô hình mới, nhiều thị trường nông sản khó tính, đòi hỏi sự đồng nhất về sản phẩm cũng như tiêu chuẩn về chất lượng.

  Nguyễn Tân Hải


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuối cấy mô, hướng đi hiệu quả