Để có cánh đồng lớn

05/01/2017, 08:27

BTO - Từ trước đến nay, nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt được xem là một trụ đỡ vững chắc cho kinh tế của đất nước. Tuy nhiên giá trị gia tăng nông nghiệp ngày càng thấp, năng suất, chất lượng chậm chuyển biến so với các ngành kinh tế khác và so với một số nước sản xuất nông nghiệp có điều kiện sản xuất như nhau trong khu vực. Nhiều người băn khoăn tương lai nông sản Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ thế giới khi mà nền nông nghiệp cứ tiếp tục nằm trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và rủi ro về thị trường còn rất lớn.

Trước những thách thức và áp lực của hội nhập, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Để thực hiện được tái cơ cấu ngành trồng trọt, chủ trương xây dựng cánh đồng lớn nhằm liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là sự đòi hỏi và hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp phát triển theo hướng thị trường hàng hóa. Thời gian qua ở đồng bằngsông Cửu Long và một số tỉnh trong đó có Bình Thuận (điển hình là Tánh Linh) đã triển khai xây dựng các cánh đồng lớn và đã mang lại nhiều lợi ích... Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết vụ lúa đông xuân năm 2015-2016, tổng diện tích cánh đồng lớn của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 450.000 ha. Đa số nông hộ tham gia mô hình đều đánh giá, nhờ quy mô diện tích gieo trồng lớn nên thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Cụ thể, chi phí sản xuất trung bình giảm từ 10-15%/ha lúa, đồng thời giá trị sản lượng có thể tăng 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha).

 Bình Thuận là một tỉnh nông nghiệp. Cây chủ lực là lúa và thanh long có diện tích khá lớn (lúa trên 52.000 ha và thanh long trên 26.000 ha) có thể xây dựng, phát triển cách đồng lớn trên 2 loại cây này. Cây lúa ở địa bàn Đức Linh và Tánh Linh; cây thanh long ở địa bàn Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Đây là những địa phương có lợi thế về diện tích và điều kiện thổ nhưỡng để xây dựng cánh đồng lớn về lúa và thanh long của tỉnh.

Cánh đồng lớn là mô hình liên kết bốn nhà:nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp là người cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân; là người chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất cho nông dân, đồng thời là người tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Do vậy vấn đề cần quan tâm hàng đầu là phải có chính sách hỗ trợ trong việc kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết với nông dân để hình thành, phát triển cánh đồng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ tích cực tham gia cánh đồng mẫu lớn khi lợi ích của họ được bảo đảm. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đất đai, hỗ trợ kinh phí khi mua máy móc, trang thiết bị, được ưu tiên vay vốn; có chế độ ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vật tư nông nghiệp, trực tiếp chế biến nông sản sâu, trực tiếp tham gia kênh phân phối tiêu thụ khi tham gia vào cánh đồng mẫu lớn.

Để có cánh đồng lớn phải có chính sách tập trung, tích tụ ruộng đất. Cần phải tổ chức lại sản xuất có sự liên kết ngang giữa nông dân với nhau với phương châm “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”. Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể và hướng dẫn nông dân, các tổ chức nông dân xây dựng quy chế, điều lệ hoạt động của tổ, nhóm, hợp tác xã, công ty cổ phần nông nghiệp... Cùng với việc thực hiện liên kết ngang của những người sản xuất cần phải có chủ trương cho phép, khuyến khích tích tụ ruộng đất. Đó là quá trình chuyển giao đất cho những nông dân chuyên nghiệp, những doanh nghiệp nông nghiệp, những người đủ năng lực đầu tư lớn. Không thể duy trì kiểu sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mỗi hộ năm - bảy sào ruộng như hiện nay được. Việc nới hoặc bỏ hạn điền sẽ là một cuộc cách mạng nông nghiệp lần 2 để tiến đến một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại có sức cạnh tranh cao.

Hồng Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để có cánh đồng lớn