Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Cần nhiều giải pháp tích cực

23/08/2016, 08:37

BT- Xây dựng, phát triển các khu công nghiệp đã đồng thời giúp các ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. Phát triển khu công nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, thu hút và tập trung được nguồn lực để đầu tư, xây dựng. Thời gian qua, Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

                
Ảnh: Đ.Hòa

Tính đến quý II/2016, toàn tỉnh thu hút thêm 2 dự án vào KCN với số vốn đầu tư 30 tỷ đồng và 0,25 triệu USD. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 54 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), diện tích cho thuê 181,04 ha với tổng vốn đầu tư là 3.615,12 tỷ đồng và 146,68 triệu USD. Trong đó có 41 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề gia công, sản xuất giày dép; bao bì carton; các sản phẩm nội thất từ gỗ; giấy dính cao cấp xuất khẩu; chế biến thực phẩm…

Để thúc đẩy mạnh hơn việc thu hút đầu tư vào các KCN, ngoài đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, Bình Thuận cần thực hiện tốt các cơ chế chính sách về phát triển thị trường, huy động vốn, khoa học công nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là làm tốt hơn nữa hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ. Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải đã có văn bản tháo gỡ những kiến nghị về thu hút đầu tư của BQL các KCN, trong đó nổi lên một số vấn đề như: Về cơ chế chính sách,  đối với đề nghị ban hành chỉ thị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận đến năm 2025.

Sau khi nghị quyết được Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành, giao Sở Côngthương chủ trì, cùng các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện. Về rà soát các chủ trương, chính sách để tham mưu hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho các nhà đầu tư về các chính sách ưu đãi đầu tư, việc hỗ trợ tuyển dụng lao động và các giải pháp đào tạo nâng cao nguồn lực lao động đáp ứng cho các khu công nghiệp giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết (lưu ý gắn với nhu cầu và yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp). Hỗ trợ lãi vay trong thời gian đầu tư xây dựng: Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi do Trung ương quy định.  Rà soát lại chi phí, giá tiền thuê đất, giá chi phí dịch vụ hạ tầng, tiền điện nước… tại từng vị trí của các khu công nghiệp: Giao Ban Quản lý các khu công nghiệp nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất. Về lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao Sở Giao thôngvận tải nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai, hoàn thành sớm các công trình hạ tầng quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các khu công nghiệp: cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, quốc lộ 55...

Đối với các công trình ngoài hàng rào các khu công nghiệp: Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Giao Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành làm việc với các chủ đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh cấp điện, cấp nước, viễn thông… để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực này, để bảo đảm cung cấp ổn định nguồn điện, nước… cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đối với các hoạt động xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giao Ban Quản lý các KCN chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các chủ đầu tư hạ tầng các KCN cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương để tăng hiệu quả các hoạt động xúc tiến và kêu gọi đầu tư; nghiên cứu gắn các hoạt động đối ngoại của tỉnh (trong nước và nước ngoài) với hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, có chương trình phối hợp để tăng cường tính chủ động và vai trò của các chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong hoạt động xúc tiến đầu tư...      

    
      Tính   đến cuối tháng 5, tổng diện tích đất sử dụng thu hút được là 4,9 ha, chỉ   đạt 19,6% so với mục tiêu thu hút 25 ha trong năm 2016. Vì vậy trong   những tháng còn lại của năm 2016 đòi hỏi sự chỉ đạo, quan tâm của các   cấp, ngành liên quan tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi với nhiều giải   pháp hữu hiệu mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Hà Thu ThỦy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Cần nhiều giải pháp tích cực