Mưa lớn là ngập trắng cánh đồng

26/12/2016, 09:23

BT- “7 năm qua, mỗi lần mưa lớn từ thượng nguồn là cánh đồng thôn chúng tôi thường xuyên bị ngập, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân”, ông Lâm A Sáng, Trưởng thôn Sông Khiêng, xã Sông Lũy (Bắc Bình) kể.

                
Bà Vy Thị Hiền (trái) và người dân thôn    Sông Khiêng thẫn thờ bên ruộng lúa bị ngập úng.

Theo chân ông Sáng, chúng tôi đến cánh đồng thôn Sông Khiêng, cách trung tâm xã khoảng 10 km. Đây là khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, sống tập trung dọc tuyến đường Phan Tiến – Sông Lũy. Cánh đồng hơn 30 ha sau lưng thôn là nơi sản xuất của bà con với các loại cây trồng như bắp, lúa, rau màu… được bao bọc bởi sông Catot, kênh 812 - Châu Tá và đập Tú Sơn 2, phần lớn đã có đê sông.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 250m bờ đê ven sông Catot chưa được đắp, cách mặt sông hơn 1m. Mỗi lần có mưa lớn từ thượng nguồn, nước về nhanh và dâng cao, dẫn đến ngập lụt. Nhà chị Vy Thị Hiền (người Tày) có 1 ha trồng lúa đang phát triển than thở: “Đêm 13/12, nước sông bắt đầu dâng cao, đến gần 22 giờ là ngập gần hết cánh đồng, 2 ngày sau nước mới rút. Vậy là tết đến mất vui luôn rồi”. “Có năm mưa nhiều, chỉ vài tháng mà đã ngập hết 4, 5 đợt. Mỗi lần như vậy, trai tráng thôn quá bức xúc, tập trung dùng cuốc, xẻng phá đê dưới hạ nguồn để tháo nước. Nhưng ngập thì vẫn ngập”, trưởng thôn cho biết thêm.

Không những gặp khó trong sản xuất do thường xuyên bị ngập lụt, đồng bào thôn Sông Khiêng xã Sông Lũy còn rất băn khoăn với việc không có cầu bắc qua khu sản xuất bên kia kênh Châu Tá và sông Catot. Hiện có  hơn 40 gia đình người Tày, Nùng, Kinh… cùng sản xuất trên khu đất nông nghiệp gần 150 ha.

Để chủ động sản xuất, người dân phải tự làm các bè nổi bằng thùng nhựa, căng dây đi ngang kênh 812 - Châu Tá và sông Catot để làm đồng. Khi cần đưa máy cày thì phải đi vòng lên Phan Tiến trở lại mất gần chục cây số.

Trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy xã Sông Lũy, ông Trần Chí Đoàn cho biết: Hiện khu vực này và các thôn lân cận đang phát triển các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả như thanh long, xoài, mít, quýt… Việc xây dựng các hạ tầng cơ bản cộng với tăng cường chuyển giao cách trồng, chăm sóc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung tại các xã Sông Lũy, Sông Bình. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm giải quyết các khó khăn của người dân nơi đây.

    
      “Nhiều năm qua, người dân kiến nghị xây dựng cầu bắc qua kênh 812 - Châu   Tá để phục vụ việc sản xuất, chuyên chở hàng hóa, vật tư nông nghiệp   nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì”. ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ   tịch Hội Nông dân xã Sông Lũy tâm tư.

Đ.Hậu


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưa lớn là ngập trắng cánh đồng