Ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai

04/01/2017, 08:41

Bài 1: Nghi vấn từ thượng nguồn sông Giêng

BT - Những ngày cuối năm 2016, vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai lại được “xới lên” khi Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát tối cao theo kế hoạch. Hoạt động này là rất cần thiết vì suốt thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt chính ở một số địa bàn giáp ranh thuộc tỉnh Bình Thuận. 

UBND xã Tân Đức, huyện Hàm Tân cho biết: Từ năm 2008 đến nay, hàng năm thường xuyên xảy ra 1 - 2 lần hiện tượng nguồn nước sông Giêng bị chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối. Nghi vấn tập trung vào hai nhà máy sản xuất quy mô khá lớn nằm ở thượng nguồn, đoạn qua địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai khi lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2007 và 2010. Đáng quan ngại hơn, nguồn nước hạ lưu sông Giêng và sông Dinh lại là nguồn nước sinh hoạt chính của khoảng 117.000 dân thuộc các xã Tân Hà, Tân Xuân và một phần thị trấn Tân Minh (Hàm Tân) cũng như thị xã La Gi.

         
   

         

         Sông Giêng - một    trong những nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho Trại giam Thủ    Đức (Z30D).   

Còn theo Trại giam Thủ Đức (Z30D) thì từ năm 2009, đơn vị nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cơ quan, ban ngành quan tâm giải quyết nhưng đến nay hiện tượng ô nhiễm nguồn nước sông Giêng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đây cũng là một trong những nguồn nước cung cấp cho đơn vị với hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ cùng khoảng 7.000 phạm nhân đang được quản lý tại Trạm giam Thủ Đức, đóng trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, sông Giêng là nguồn cung cấp nước chính cho 600 cán bộ và 5.000 phạm nhân tại các phân trại 2, 5, 6, 7 nên ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe của nhiều người. Thời gian qua, đoàn kiểm tra của Cục Y tế từng có buổi làm việc tại Trại giam Thủ Đức để nghe đơn vị báo cáo trực tiếp về vấn đề này và trực tiếp ra thực địa khảo sát. Với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, những năm gần đây tỷ lệ các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu (nấm, dị ứng, lang ben, ghẻ…) hoặc bệnh lý đau mắt đỏ cũng có xu hướng tăng cao và diễn biến nặng hơn, nhất là đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, lao…

Việc nghi vấn ô nhiễm môi trường xuất phát từ thượng nguồn sông Giêng trên địa bàn Đồng Nai không phải không có cơ sở, bởi nơi đây hiện diện nhà máy chuyên sản xuất cồn (công suất 72 triệu lít/năm) của Công ty Tùng Lâm và nhà máy chế biến tinh bột mì (công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm) của Công ty Thành Tâm. Dù đi vào hoạt động chưa đạt tối đa công suất thiết kế, song cả hai nhà máy có nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất, chế biến từ vài trăm đến hơn cả ngàn m3 nước/ngày đêm… Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, ngành chức năng Đồng Nai và Bình Thuận đã thực hiện phối hợp tổ chức nhiều đợt giám sát việc thu gom, xử lý nước thải đối với hai công ty nêu trên. Qua đó từ năm 2011 - 2014, tỉnh Đồng Nai đã ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Tùng Lâm với tổng số tiền phạt 148,5 triệu đồng. Còn từ năm 2015 cho đến nay, công ty chuyên sản xuất cồn đã cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật, nên không phát hiện hành vi vi phạm về môi trường. Riêng Công ty Thành Tâm, từ năm 2010 đến 2012, tỉnh Đồng Nai ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với tổng số tiền xử phạt gần 80 triệu đồng. Sau đó từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp chế biến tinh bột mì đã cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật và ngành chức năng không phát hiện hành vi vi phạm về môi trường.

Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, từ năm 2007 tỉnh Đồng Nai tiến hành thực hiện phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để phù hợp cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nên Đồng Nai đã rà soát, điều chỉnh phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải. Trong đó có tính đến việc khai thác sử dụng nguồn nước phía thượng nguồn và hạ nguồn, để hài hòa việc chia sẻ nguồn nước, phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường cả lưu vực sông Đồng Nai…

 Quốc Tín


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai