Trục lợi chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý:  Những chuyến tàu “ma”

19/12/2016, 09:07

Bài 1: Những chiêu trò gian lận

BT- Hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ là một chủ trương lớn của Chính phủ. Chính sách mới này đã mang đến cơ hội cho các ngư dân xây dựng đội tàu đánh cá lớn, mạnh, phát triển mạnh mẽ ngành khai thác thủy sản, làm giàu cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, một số ngư dân ở huyện đảo Phú Quý lại lợi dụng những chính sách này, thực hiện nhiều chiêu trò hòng qua mặt các ngành chức năng để trục lợi.

                
Tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý. Ảnh: N.L

Khai thác “ma”

Lâu lắm mới gặp lại anh T. ở xã Tam Thanh trong một lần anh vào Phan Thiết có việc. Anh T. là một trong 45 ngư dân ở huyện Phú Quý mạnh dạn vay vốn từ Nghị định 67 để đóng tàu mới vươn khơi. Chiếc tàu 500CV của anh đã hạ thủy và những chuyến ra Trường Sa cứ nối dài từ tháng này qua tháng khác. Hỏi thăm về những chuyến ra khơi, anh T. thật thà chia sẻ: “Nhờ thời tiết thuận lợi, thuần thục ngư trường lại có kinh nghiệm đánh bắt nên chúng tôi đều có lãi sau mỗi chuyến đi… Ngoài được Nhà nước hỗ trợ chi phí xăng dầu, nếu gặp được luồng cá, ngư dân sẽ trúng đậm, sớm trả nợ ngân hàng thôi”. Nói đoạn, bỗng anh T. đổi giọng, tỏ vẻ bực bội: “Vậy mà có người sắm tàu chẳng đi đâu xa vẫn được nhận tiền hỗ trợ như mình”. Tôi ngạc nhiên hỏi tới thì anh T. ngại không nói, bảo rằng hàng xóm láng giềng cả, nói ra sợ mất lòng. Sau một hồi thuyết phục, anh T. tiết lộ những thủ thuật gian lận của các tàu khác cho tôi nghe với điều kiện phải đảm bảo bí mật cho anh.

Anh T. cho biết, tình trạng gian dối trong việc ký xác nhận hồ sơ ở Phú Quý không phải xảy ra ở 1 - 2 tàu mà rất nhiều trường hợp sắm tàu với mục đích trục lợi. Sau khi hoàn chỉnh thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng (CKC) Phú Quý, các chủ tàu sẽ gửi sổ, giấy xác nhận tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển xa, máy nhắn tin nhờ các tàu khác ký xác nhận giùm tại khu vực vùng biển thuộc các Nhà giàn, nhà lô DK1 quản lý. Trong khi đó, họ cho tàu cá “lượn lờ” gần đảo Phú Quý hoặc lẩn tránh ở Hòn Đen, Hòn Tranh, Hòn Trứng… chờ đủ 15 ngày rồi mới cho tàu cập bến. Lúc đó chủ tàu sẽ lấy sổ đã được xác nhận đến đăng ký nhập bến tại Trạm kiểm soát biên phòng CKC Phú Quý và đến Đồn biên phòng CKC Phú Quý để ký xác nhận. Hoàn chỉnh những thủ tục đó, các chủ tàu ngồi “rung đùi” chờ nhận tiền hỗ trợ cho từng chuyến biển mà không phải tốn nhiều xăng dầu, chi phí tìm bạn thuyền cho mỗi chuyến “ra khơi” dài ngày. Sau khi xác minh thêm thông tin từ báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi được biết có đến 9 trường hợp tàu cá có hành vi gửi sổ để ký xác nhận mà không trực tiếp đi khai thác.

 Lật tẩy…

Tưởng rằng thủ đoạn gian lận của ngư dân chỉ dừng lại ở đó, tìm hiểu thêm mới hay có những tàu cá vẫn đi đánh bắt xa bờ, nhưng kiêm thêm dịch vụ nhận sổ ký xác nhận hộ để trục lợi. Rõ nhất là trường hợp ông Võ Tèo (xã Long Hải) chủ tàu cá BTh 97945 TS. Sau khi đã ký đủ 4 chuyến biển cho tàu cá của mình, trong chuyến biển khác, ông nhận ký giúp cho 4 tàu cá BTh 97625 TS, BTh 97526 TS, BTh 97642 TS, BTh 97613 TS với mỗi hồ sơ là 5 triệu đồng. Thuyền trưởng 3 tàu cá này đã trực tiếp đến nhà ông Tèo giao sổ và giấy tờ. Khi trên đường ra khơi, ông Tèo gặp tàu cá BTh 97613 TS đang đậu cách đảo Phú Quý 4 hải lý. Tại đây, ông Trần Sa Ly - thuyền trưởng tiếp tục nhờ ông Tèo “đóng dấu” giúp. Tuy nhiên, khi tôi thắc mắc với anh T., “Tại sao một tàu cá lại có thể được xác nhận nhiều hồ sơ một cách dễ dàng đến vậy?”. Anh này mới phân trần: “Cán bộ phụ trách nhà lô, nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DK1 tin tưởng ngư dân nên mới ký xác nhận dễ dàng vậy, vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng trục lợi bất chính”. Theo lời kể của anh T., khi ra đến Trường Sa, thuyền trưởng sẽ bơi thúng đến chân nhà lô, nhà giàn và bỏ tất cả giấy tờ vào trong giỏ do cán bộ thả xuống. Mặc dù không trực tiếp nhìn thấy tàu cá đang hoạt động nhưng sổ và giấy xác nhận khai thác trên vùng biển xa vẫn được đóng dấu một cách nhanh chóng. Chính sự sơ hở đó đã tiếp tay cho những chuyến tàu “ma” hình thành ngày một nhiều, qua mặt các cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tiền chính sách của Nhà nước. Theo lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh, hiện có 5 trường hợp nhận sổ của những tàu cá không đi biển để xác nhận hộ. Trong đó, ông Võ Tèo là một trong những ngư dân đã nhận đủ 4 chuyến hỗ trợ/năm, hơn 200 triệu đồng theo Quyết định 48 của Chính phủ.

Được biết, Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước về đóng mới tàu 67, hiện có 57 tàu đóng mới đi vào hoạt động (55 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ thép), trong đó riêng huyện đảo Phú Quý có 45 tàu - nhiều nhất tỉnh, nhưng 1/3 trong số đó đã có ý đồ gian lận trong ký xác nhận đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ.

    
      Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ   được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển tàu có công   suất từ 90 CV - 150 CV hỗ trợ 22.000.000 đồng; từ 150 CV - 250 CV hỗ trợ   30.000.000 đồng; từ 250 CV - 400 CV hỗ trợ 55.000.000 đồng; từ 400 CV -   700 CV hỗ trợ 75.000.000 đồng; từ 700 CV trở lên hỗ trợ 100.000.000   đồng.

Thu Thủy - Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trục lợi chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý:  Những chuyến tàu “ma”