Ban quản lý RPH Sông Móng - Ca Pét: Nhiều biện pháp phòng chống phá rừng

03/01/2017, 08:41

BT - Năm 2016, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng- Ca Pét (RPH), huyện Hàm Thuận Nam đã tuần tra, phát hiện, xử lý 80 vụ vi phạm lâm luật, tăng 29 vụ so với năm trước và tịch thu 6,7 m3 gỗ các loại, 8 xe máy tự chế. Trong đó khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép 61 vụ, phá rừng 4 vụ, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép 14 vụ, với diện tích 54.994 m2…

Nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng ngày càng gia tăng là do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 19.690 ha rừng tự nhiên thuộc địa bàn 4 xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập. Đa số diện tích rừng nằm ở vùng giáp ranh với các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, nên công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng hết sức khó khăn, phức tạp. Các đối tượng phá rừng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động và sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng. Trong khi đó công cụ hỗ trợ cho đơn vị chưa đủ mạnh để trấn áp các đối tượng vi phạm. Tại các khu vực rừng do đơn vị quản lý có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thường hay phá rừng làm rẫy và săn bắn, hái lượm lâm sản. Nhất là vào các tháng giáp hạt, một số hộ dân tộc thiếu ăn đã lén lút vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và tiếp tay cho bọn lâm tặc. Đến mùa mưa thì tái lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng các loại cây bắp, mì, đậu xanh, bí đỏ.

         
   

         

            Các hộ dân tái lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng mì tại xã Tân Lập.

Để ngăn chặn nạn phá rừng, Ban quản lý RPH Sông Móng - Ca Pét, huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện đồng bộ các biện pháp chống phá rừng, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng. Các trạm bảo vệ rừng đã phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, truy quét bọn lâm tặc ở vùng rừng giáp ranh với các huyện và các điểm nóng phá rừng, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, như xã Tân Lập, Mỹ Thạnh, Hàm Cần. Đơn vị lấy lực lượng bảo vệ rừng làm nòng cốt kết hợp với các hộ dân tộc nhận khoán bảo vệ rừng để tuần tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong quần chúng nhân dân. Cán bộ kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND các xã xây dựng phương án phòng chống phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng. Đơn vị cùng với Ban quản lý RPH Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Tánh Linh) thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở các vùng giáp ranh. Tiếp tục duy trì, bổ sung quân số cho Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, Tà Mon và chốt bảo vệ rừng Sông Phan, La Zôn để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng phá rừng, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê những đối tượng chuyên phá rừng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép và tổ chức vận động, giáo dục, răn đe, buộc làm bản cam kết không tham gia phá rừng. Xác định các điểm nóng phá rừng trên lâm phận quản lý và phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát diện tích rừng, các hợp đồng giao khoán bảo vệ 9.191,47 ha rừng cho 199 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã và đôn đốc, nhắc nhở thực hiện tốt các nội dung đã cam kết, thỏa thuận. Kiên quyết xử lý các đối tượng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, bằng cách nhổ bỏ cây trồng, phá dỡ các chòi rẫy, chuồng trại trên đất tái lấn chiếm và lập kế hoạch quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau khi thu hồi tại các xã…

Tuấn Anh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban quản lý RPH Sông Móng - Ca Pét: Nhiều biện pháp phòng chống phá rừng