Triều Tiên sắp phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?

21/09/2016, 13:48

Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng "vệ tinh" trong thời gian sớm nhất sau khi thử thành công động cơ tên lửa đẩy mới.

Động thái này cho thấy Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh chương trình vũ khí của mình.

Một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân thành công gần đây của Triều Tiên đã làm dấy lên mối quan ngại rằng những vụ thử này có thể nhằm mục đích phát triển vũ khí. Tuy nhiên, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin rằng các tên lửa này được thiết kế nhằm dẫn dắt "các vệ tinh quan sát Trái đất” của nước này.

                
      
         Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un. Ảnh: Reuters/KCNA

Nhà khoa học về tên lửa Chae Yeon-Seok thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hàn Quốc, cho biết, động cơ mới này có thể giúp Triều Tiên "tiến gần hơn tới việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể phóng đến lục địa Mỹ”. Ông Chae nói: "Chương trình không gian của Triều Tiên tập trung vào phát triển phóng các thiết bị có thể dễ dàng sử dụng cho các tên lửa hơn là phát triển các vệ tinh thông thường”.

Chương trình phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Trung tâm Không gian Sohae ở miền Tây của nước này này để theo dõi vụ thử nghiệm động cơ tên lửa. Theo KCNA, ông Kim đã vô cùng "mãn nguyện” về kết quả đạt được.

Ngoài ra, ông Kim còn kêu gọi tiến hành các vụ phóng tên lửa tiếp theo để biến Triều Tiên thành "nước sở hữu các vệ tinh địa tĩnh trong vòng một vài năm tới”. KCNA cho biết, lãnh đạo Kim đã đề nghị các nhà khoa học và các kỹ sư tiến hành chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh trong thời gian sớm nhất trên cơ sở vụ thử nghiệm thành công này.

Điều này cho thấy, Triều Tiên có thể phóng tên lửa tầm xa khác trong thời gian tới. Có tin đồn rằng Triều Tiên có thể kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10) bằng việc phóng "vệ tinh" lên quỹ đạo.

Vụ thử động cơ tên lửa diễn ra bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế về đợt thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên vào đầu tháng này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Jeon Ha-gyu, cho biết đây có thể là vụ thử cho một động cơ mới được sử dụng cho một tên lửa tầm xa.

Joel Wit, sáng lập viên trang web 38 North chuyên phân tích về Triều Tiên tại Washington, nhận định: "Vụ thử này là bước tiến quan trọng khác hướng tới đợt phóng đầu tiên tàu vũ trụ lớn hơn, tốt hơn để đưa các vệ tinh lên các quỹ đạo cao hơn và điều này có thể diễn ra trong tương lai không quá xa”.

Joshua Pollack, biên tập viên Tạp chí Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại Mỹ cho biết, phương tiện thông tin đại chúng Triều Tiên đã mô tả động cơ tên lửa có lực đẩy lên tới 80 tấn có thể là của một loại tên lửa rất mạnh, vượt xa tất cả những gì mà Triều Tiên đã phô diễn với thế giới trước đây. Theo ông Pollack, vụ thử nghiệm này có thể là kết quả của sự hợp tác với Iran.

Vào tháng Giêng năm nay, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt những người đã tham gia vào chương trình tên lửa của Iran. Trong khuôn khổ chương trình này, các chuyên gia kỹ thuật của Iran trong những năm gần đây đã tới Triều Tiên để hợp tác chế tạo máy tăng thế tên lửa với lực đẩy lên tới 80 tấn do chính phủ Triều Tiên phát triển.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Trong năm nay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo với tiến độ chưa từng thấy, bao gồm vụ phóng vệ tinh vào tháng 2 được xem như là vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa.

Vào tháng 6, Triều Tiên cũng đã phóng một tên lửa tầm trung mà theo các chuyên gia có sự tiến bộ về công nghệ đối một quốc gia bị cô lập sau một vài vụ thử thất bại.

Trong tháng 8, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB) mà theo các chuyên gia quốc tế đã có sự tiến bộ đáng kể.

Vào ngày 9/9, Bình Nhưỡng công bố đã thực hiện vụ thử nguyên tử lần thứ năm và đây có thể là vụ thử lớn nhất từ trước cho đến nay. Hành động này đã bị cộng đồng quốc tế lên án do lo ngại về khả năng tăng cường vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Sau vụ thử hạt nhân trong tháng này, Triều Tiên tuyên bố đã hoàn toàn có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo, một triển vọng đáng lo ngại đối với các nước láng giềng là Hàn Quốc và Nhật. Phát triển một ICBM hiệu quả có thể đưa nước Mỹ nằm trong tầm bắn của dàn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong tuần này, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã kêu gọi gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng vì nước này đã không tuân thủ nghị quyết cấm các chương trình tên lửa và hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc - nước được cho là đồng minh chủ chốt của Triều Tiên - cũng tuyên bố ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc để phản đối các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đáp lại những tuyên bố của Triều Tiên, Mỹ đã và đang phối hợp với Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này.

CTV Xuân Hương/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên sắp phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?