Vụ đốt hom mì ở Tà Mon (Tân Lập): Cần xem xét đình chỉ vụ án và bị can

27/09/2016, 08:28

BT- Vụ án kéo dài hơn 4 năm, việc giám định thiệt hại để làm chứng cứ xử lý dường như không thể thực hiện, nhưng cơ quan chức năng không đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, để thân phận bị can treo lơ lửng…

Từ chuyện đốt 2 đống hom mì

Bà Nguyễn Thị Dung (39 tuổi, ngụ thôn Tân Hòa, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân) vừa có đơn đề nghị đình chỉ vụ án và bị can, khôi phục các quyền lợi đối với bà và những người trong cùng vụ án đã bị khởi tố liên quan đến vụ án “Hủy hoại tài sản” hiện đang được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hàm Thuận Nam (VKSHTN) quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Nguyên nhân vụ án bắt đầu từ việc tranh chấp quyền sử dụng đất 1,6 ha đất trồng mì tại thôn Tà Mon, xã Tân Lập giữa vợ chồng bà Dung và ông Phạm Văn Hậu ngụ cùng thôn. Việc tranh chấp bắt đầu từ tháng 6/2011 khi hai bên xảy ra xô xát đánh nhau và Công an xã Tân Lập đã lập biên bản, xử phạt hành chính những người làm công của ông Nguyễn Văn Hậu, đồng thời buộc ông Hậu không được tiếp tục tác động đến diện tích đất tranh chấp. Thế nhưng, đến ngày 27/10/2011, ông Hậu tiếp tục thuê nhân công đến trồng mì trên diện tích đất tranh chấp và vợ chồng bà Dung tiếp tục đến ngăn cản. 2 ngày sau, ông Hậu lại tiếp tục thuê nhân công đến trồng mì và bà Dung cùng chồng tiếp tục vào ngăn cản. Bà Dung cùng chồng và những người làm công sau đó đã có hành vi đốt cháy 2 đống cây mì giống mà ông Hậu dự định trồng.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Tân Lập đã lập biên bản ghi nhận hiện trường. Đến ngày 27/7/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam (CAHTN) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can, trong đó có chồng bà về hành vi “Hủy hoại tài sản”. Riêng bà Dung bị bắt tạm giam gần 5 tháng.

 4 năm mang thân phận bị can

Theo trình bày của bà Dung, từ ngày CAHTN khởi tố bị can và được VKSHTN phê chuẩn đến nay đã hơn 4 năm. Sau rất nhiều lần điều tra bổ sung và nhiều lần bị tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng CAHTN không chứng minh được hành vi phạm tội “Hủy hoại tài sản”. Vụ án sau đó được VKSHTN quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do “chờ kết luận định giá”. Nhưng 2 năm qua, vụ án vẫn giậm chân tại chỗ. Theo quy định của pháp luật, một hành vi chỉ bị khép tội “Hủy hoại tài sản” khi tài sản bị hủy hoại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Tức là, nếu gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng và chưa bị xử lý hành chính về hành vi này thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc xác định các thiệt hại cụ thể cũng như tổng giá trị thiệt hại trong vụ án này là hết sức quan trọng, quyết định đến việc các bị can có phạm tội hay không.

Theo bà Dung, mặc dù, cơ quan tố tụng biết Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Bình Thuận không thể định giá được các tài sản bị thiệt hại theo yêu cầu nhưng vẫn “chờ kết luận định giá” và lấy lý do này để quyết định tạm đình chỉ. Ngày 12/6/2015, bà Dung tiếp tục có đơn yêu cầu CAHTN đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Sau khi thụ lý đơn, CAHTN tiếp tục trả lời là đang chờ “kết quả định giá tài sản” của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Theo bà, trong trường hợp này, thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải căn cứ vào Điều 119 BLTTHS để đình chỉ điều tra đối với bà vì đã hết thời hạn điều tra, thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Qua phản ánh của bà Dung và theo quy định pháp luật, thì trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp của bà Dung, nếu đủ chứng cứ chứng minh phạm tội thì phải truy tố trước tòa án. Còn nếu không đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội thì cần phải xem xét đình chỉ vụ án, bị can chứ không thể treo lơ lửng số phận các bị can trong thời gian dài chỉ từ việc đốt những đống hom mì, nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân.

Trần Huỳnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đốt hom mì ở Tà Mon (Tân Lập): Cần xem xét đình chỉ vụ án và bị can