Khách Trung Quốc đến Bình Thuận: Chưa phức tạp, nhưng cần phòng ngừa…

03/10/2016, 08:53

BT- Bà Võ Hoàng Tuyết Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho biết như thế tại hội nghị triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Bình Thuận vừa được tổ chức vào cuối tháng 9/2016 khi đề cập vấn đề này.

Lượng du khách Trung Quốc đến Bình Thuận trong những năm gần đây liên tục tăng lên góp phần giúp  ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương duy trì mức tăng trưởng ổn định. Sau thời gian chịu “lép vế” trước khách Nga, thì nay khách Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu khách quốc tế đến tỉnh ta. Số liệu dự ước của ngành du lịch cho thấy, lượng khách Trung Quốc đến Bình Thuận nghỉ dưỡng trong tháng 9/2016 chiếm 24,23%, đứng trên khách Nga 17,51%,  Hàn Quốc 13,17% và bỏ xa các thị trường khách còn lại như Đức 5,18%, Anh 4,47%, Thái Lan 4,31%, Hà Lan 3,36%, Pháp 3,11%, Mỹ 2,82%... Đặc biệt, Bình Thuận cũng là một trong số những điểm đến ven biển ở Việt Nam được khách Trung Quốc rất ưa chuộng, tính riêng nửa đầu năm nay, Đà Nẵng đón hơn 211.000 lượt (chiếm tỷ trọng 26,53%), Khánh Hòa đón 203.000 lượt (tỷ trọng 38,6%), Bình Thuận đón gần 57.600 lượt (tỷ trọng 22,84%), Kiên Giang đón 5.000 lượt (tỷ trọng 2,58%)…

Hiện tại, khách Trung Quốc đến Bình Thuận chủ yếu thông qua các đơn vị lữ hành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, họ thường đi theo đoàn khoảng 20 - 30 người, lưu trú từ 1 - 3 đêm. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp khách Trung Quốc đi theo từng nhóm nhỏ vài người, đặt phòng qua kênh online như Booking.com, Agoda, Expedia… Được biết, chi tiêu bình quân của mỗi khách Trung Quốc khi đến Bình Thuận chỉ khoảng 75 USD (tương đương 1.600.000 đồng)/ngày, thấp hơn so với khách đến từ thị trường Nga, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc. Theo ngành du lịch địa phương, hiện có một số cơ sở lưu trú trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né đón nhiều khách Trung Quốc: Hoàng Ngọc, Mường Thanh, Sailing Bay, Poshanu, Allezboo, The Cliff, Sunny Beach, Hoàng Triều, Tiến Đạt, Vinh Sương…

Dù chưa ghi nhận trường hợp gây rối hoặc xuyên tạc lịch sử, văn hóa hay tình trạng người Trung Quốc đóng vai trò là hướng dẫn viên khi đến Bình Thuận, nhưng ngành du lịch địa phương cũng đang hết sức phòng ngừa. Bởi với tình hình hiện nay, điều này là không thừa vì ngành du lịch Bình Thuận chưa có hướng dẫn viên quốc tế biết ngoại ngữ tiếng Trung. Nếu ở những điểm tham quan không bán vé, không có thuyết minh tại chỗ như Đồi Cát Bay, Suối Tiên thì rất khó kiểm soát, phát hiện ra khách Trung Quốc đang thực hiện vai trò gì trong đoàn tham quan. Còn tại những điểm có bán vé vào cổng như Cổ Thạnh (Tuy Phong), chùa Núi (Hàm Thuận Nam), Bàu Trắng (Bắc Bình), tháp Pô Sha Inư (TP. Phan Thiết)… cũng không dễ cho công tác kiểm soát, vì việc thuyết minh chỉ diễn ra khi có yêu cầu của các đoàn khách quốc tế, nhưng chủ yếu là bằng tiếng Anh.

Để khắc phục hạn chế, khó khăn trong vấn đề nêu trên, Sở VH, TT & DL Bình Thuận đã phối hợp Tổng cục Du lịch mở lớp đào tạo tiếng Trung cho 80 học viên là cán bộ, nhân viên làm công tác du lịch trên địa bàn. Đồng thời cùng với đơn vị chức năng đề xuất giải pháp và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tăng cường thông tin, tuyên truyền trong nhân dân và người lao động cảnh giác những biểu hiện bất thường của khách Trung Quốc. Đối với các điểm tham quan phải trang bị thiết bị ghi hình, ghi âm và thiết lập hệ thống cung cấp thông tin nhằm kịp thời phản ánh những hoạt động sai phạm đến cơ quan chức năng. Về lâu dài, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Trung, đáp ứng tình hình thực tế.

Đình Quốc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khách Trung Quốc đến Bình Thuận: Chưa phức tạp, nhưng cần phòng ngừa…