Ứng dụng thương mại điện tử: Đặt mục tiêu đạt mức khá so cả nước

26/09/2016, 08:29

BT- Thời gian qua Bình Thuận đã thể hiện sự quan tâm và cụ thể hóa bằng kế hoạch về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 do UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên qua 5 năm triển khai, dù có nhiều cố gắng song kết quả đạt được chưa như mong muốn.

                
      
Thương mại điện tử ngày càng thể hiện tầm quan    trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin thì Bình Thuận xếp hạng 29/63 tỉnh, thành về chỉ số thương mại điện tử quốc gia. Còn theo kết quả mà Hội Tin học Việt Nam phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông khảo sát, tỉnh ta đứng thứ 22/63 tỉnh, thành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu so sánh khả năng vốn có về công nghệ thông tin, có thể nói thương mại điện tử Bình Thuận trong những năm qua phát triển chưa xứng tầm.

Giải quyết bất cập này, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh hiểu lợi ích, chủ động tham gia ứng dụng thương mại điện tử. Hiện nay ngành chức năng đang tích cực tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020.

Theo dự thảo kế hoạch, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt mức khá so với mục tiêu chung của cả nước về ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời đưa ứng dụng thương mại điện tử là công cụ không thể thiếu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Để đạt mục tiêu này, địa phương cần nỗ lực đến năm 2020 có 80% các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Cũng đến thời điểm này, toàn tỉnh phấn đấu đạt 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông hay truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ của cá nhân, hộ gia đình qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra vào năm 2020, ở mỗi địa bàn huyện, thị, thành phố của tỉnh hình thành ít nhất 2 doanh nghiệp có mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận cho thương mại điện tử và có 30% doanh nghiệp áp dụng phổ biến chữ ký số, chứng thực chữ ký số nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp địa phương phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 55% thực hiện đặt hàng hoặc nhận hóa đơn thông qua các ứng dụng thương mại điện tử trên Internet hay trên nền tảng di động. 65% doanh nghiệp hiện diện trên Internet, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm, riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tỷ lệ 50% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bình Thuận cũng nỗ lực đạt 40% doanh nghiệp tham gia các sàn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong lẫn ngoài nước, có 95% doanh nghiệp kết nối Internet để tìm kiếm thông tin, tìm kiếm thị trường…

Hướng đến mục tiêu nêu trên, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng và năng lực quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Đ.QUỐC


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng thương mại điện tử: Đặt mục tiêu đạt mức khá so cả nước