Mô hình trường học mới VNen - được và chưa được

06/10/2016, 09:50

BT - LTS: Có lẽ chưa bao giờ dư luận xã hội lại quan tâm đến vấn đề giáo dục tiểu học như hiện nay. Bởi việc triển khai mô hình VNen đang có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có ý kiến phản đối. Trang chuyên đề mô hình trường học mới (VNen), Tòa soạn đăng một số ý kiến của người trong cuộc.

Dự án GPE - VNen và những điều trăn trở

Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Đặc biệt với vùng miền núi khó khăn, ít học sinh, lớp ghép. Theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Ở đây, học sinh là đối tượng trực tiếp vận động, tư duy, sẵn sàng chiếm lĩnh kiến thức; có nhiều cơ hội trao đổi nêu  lên suy nghĩ, cảm xúc, tâm tư... chính kiến của mình dưới sự hướng dẫn, quán xuyến của thầy cô. Trong không gian lớp học rộng, ít học sinh việc phân theo tổ nhóm tự quản sẽ thuận tiện đi lại trao đổi làm việc và giáo viên dễ dàng theo dõi động viên kịp thời. Những bức tranh, những bài làm, mô hình được các em treo lên tường, lên bảng để mô tả, trình bày, từng em đại diện cho nhóm của mình (sau khi cả nhóm đã trao đổi, thống nhất) được các bạn ở tổ nhóm khác lắng nghe và nhận xét. Với những hoạt động đó sẽ giúp học sinh thêm nhiều cơ hội phát triển tư duy hơn. Như vậy, ngay tại điểm lẻ trường có 5 lớp với sĩ số từ 8 đến 14 em/1 lớp  thì có thể áp dụng mô hình này. Vấn đề còn lại là thời khóa biểu, sách giáo khoa và các điều kiện khác... cho học sinh.

         

 Một số giáo viên dạy lâu năm có nhiều kinh nghiệm ở Trường tiểu học Mê Pu 1 (Đức Linh) cho rằng: Dự án mô hình trường học mới này khó đem lại hiệu quả cao ở một lớp học quá đông lại chật chội (lớp có 35 em, phòng học chỉ có diện tích 42m2). Lớp đông, việc phân tổ nhóm càng đông, khả năng phát triển ở học sinh khá, giỏi chiếm ưu thế; ngược lại học sinh trung bình, yếu kém gặp nhiều khó khăn, ít có cơ hội hoạt động dẫn đến lệ thuộc, khó phát triển. Khả năng tự ti, mất tư duy độc lập hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện nay giờ giấc chia theo tiết học và mỗi lớp có nhiều giáo viên, mỗi giáo viên lên lớp theo môn học, theo tiết dạy quy định 35 phút. Tổ chức mô hình lớp học theo VNen luôn không thể chủ động thời gian, có khi bỏ lỡ tiết học vì hết giờ giáo viên phải qua lớp khác và học sinh học thầy cô mới, tiết mới. Theo tôi, với việc nắm được nhiều mô hình, biết được nhiều phương pháp mỗi giáo viên nên biết lựa chọn hình thức tổ chức lớp học một cách thiết thực, giúp học sinh phát huy được khả năng hợp tác, biết trao đổi, mạnh dạn... chiếm lĩnh kiến thức. Sĩ số học sinh đông hiện nay việc tổ chức hoạt động học tập theo nhóm 2, nhóm 4 vẫn được phát huy tốt. Vấn đề còn lại là đưa hoạt động theo mô hình này vào các tiết học như thế nào, chọn thời điểm nào thích hợp trong tiết học. Cho nên đưa dự án mô hình trường học mới này vào trường tiểu học hiện nay còn nhiều bất cập. Với điều kiện cơ sở vật chất, sách giáo khoa... cần được nâng cấp và chất lượng học sinh tiểu học hiện nay còn mang tính phổ cập giáo dục thì xin đừng quá vội vàng mà đánh mất cơ hội cho nhiều học sinh.

Hồ Xuân Nghiêm


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình trường học mới VNen - được và chưa được