Cân nhắc phương án thi THPT quốc gia năm 2017

23/09/2016, 09:16

 BT- Chỉ còn 9 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra, theo dự thảo  phương án thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD- ĐT). Vì đang là dự thảo nên còn có sự bổ sung, chỉnh sửa, nhưng khi dự thảo vừa công bố thì tạo nên dư luận xôn xao, gợi lên không ít nỗi lo trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Họ lo về những gì?

Những đổi mới

Trước đây, học sinh muốn tốt nghiệp THPT chỉ cần thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn, khá hợp lý và thuận lợi cho học sinh. Nhưng phương án mới đề ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 buộc học sinh ngoài thi 3 môn bắt buộc phải làm một bài thi thuộc tổ hợp 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Đề thi tổ hợp 3 môn này với thời gian làm bài là 90 phút. Điều cần so sánh với trước ở đây là học sinh  phải học 3 bộ sách của lớp 12 (chưa kể kiến thức ở lớp 10, 11 và 12 ở những năm tiếp theo). Trong lịch thi ngày thứ nhất: buổi sáng thi Ngữ văn, chiều thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên. Ngày thứ 2, buổi sáng thi 2 môn: Toán, Ngoại ngữ, buổi chiều thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội. Như vậy trong ngày thứ 2 học sinh phải làm bài thi của 5 môn. Áp lực của việc học đè nặng lên các em rất lớn. Trong lúc đó, môn Toán, Lịch sử, Địa lý từ làm bài theo hình thức tự luận đổi sang hình thức đề thi trắc nghiệm khách quan. Vừa qua nhiều giáo viên, phụ huynh rất đồng tình việc Hội Toán học Việt Nam trong việc đề nghị không nên thi trắc nghiệm môn Toán. Rồi môn Giáo dục công dân, đây là năm thi đầu tiên. Nguồn sách đâu ra cho cả thầy và trò sử dụng? Nhiều giáo viên tỏ ra hoang mang. Thầy Phí Văn Khải, Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi) trao đổi: “Vội quá. Bộ cần phải có lộ trình vài năm rồi hãy triển khai đại trà”.

 Xét tuyển đại học thế nào?

Thầy Nguyễn Viết Sự, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Đức Linh) băn khoăn: “Không hiểu các trường đại học sẽ tuyển sinh ra sao? Bởi sử dụng khối thi A, B, C; D… như những năm trước thì bài thi của một môn trong tổ hợp 3 môn với 20 câu trắc nghiệm có đủ đánh giá khả năng của học sinh không? Và khi chấm có chấm riêng phần của từng môn không? Khả năng sẽ có nhiều trường đại học tổ chức thêm cuộc thi đánh giá năng lực học sinh như Bộ cho phép. Như vậy lại càng nặng nề trong việc tổ chức thi và học sinh càng khó khăn thêm…”.

 Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia

Mấy năm nay kỳ thi THPT quốc gia đã mang trong mình trọng trách “Hai trong một”. Một kỳ thi vừa đánh giá tốt nghiệp vừa chọn được học sinh đủ năng lực vào các trường đại học. Cũng là thắc mắc của thầy Nguyễn Viết Sự: “Nếu như đề thi trong một tổ hợp 3 môn đủ đánh giá năng lực của học sinh cần tốt nghiệp với sự phân loại trong kết quả các trường đại học không?”. Nói cho đúng là nhiều ranh giới phân loại năng lực học sinh trong một môn thi chỉ với 20 câu trắc nghiệm có làm được không? Sẽ có nhiều học sinh rớt tốt nghiệp oan vì sự nhập nhằng giữ yêu cầu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học. Nhiều nhà giáo cho rằng bài thi tổ hợp 3 môn làm khó cho học trò và còn làm khó cho việc chọn học sinh của các trường đại học.

Đúng như trao đổi với Báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù nỗ lực đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được ghi nhận nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng khác nhau.

 Giáo viên và học sinh có kịp trở tay?

 Ngay sau buổi họp báo đầu năm học mới 2016 - 2017 của Bộ GD-ĐT với những chủ trương điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra, GS Nguyễn Minh Thuyết đã cho rằng chỉ 9 tháng, học sinh không thể chuẩn bị kịp. Nhiều thí sinh đã định hướng từ lớp 10. Vậy có kịp không?. “Tôi nghĩ, quyết định này hơi vội, ảnh hưởng đến thí sinh” - GS Thuyết khẳng định.

Đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học là điều hết sức cần thiết, quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình khoa học, sư phạm, hết sức chặt chẽ, vì đối tượng thử nghiệm ở đây là học sinh - là con người.  Vì thế, tôi muốn lấy câu nói của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm câu kết cho bài viết của mình.

Đinh Đình Chiến

(nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - Đức Linh)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cân nhắc phương án thi THPT quốc gia năm 2017