Trồng sưa xen canh

11/10/2016, 08:46

BT - Trong quá trình phát triển kinh tế, nông dân luôn có những sự chọn lựa phù hợp để kinh tế luôn ổn định và có một niềm tin vững vàng trong sự lựa chọn của mình. Khi thanh long đang “đủng đỉnh” bởi thị trường và không còn “ăn” như trước, nhiều hộ dân ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc đã tiên phong chuyển sang trồng gỗ quý,  bằng cách xen canh...

         
   

         

         Những cây sưa 1 năm    tuổi.

Trồng sưa xen canh

Gỗ sưa – mà phải là sưa đỏ thì giá trị kinh tế cao hơn sưa vàng (còn gọi là cây huỳnh đàn), dòng họ lim nhưng quý hơn lim. Gỗ sưa có lõi đỏ giữa tâm gỗ và độ bền cao, cây sưa chưa được trồng rộng rãi ở Bình Thuận. Mới đây, câu chuyện gỗ sưa được mở ra trong buổi sáng tại nhà người nông dân chính hiệu đã bao nhiêu năm sống chết với cây thanh long, đó là ông Ngô Xuân Hiền, người nông dân có thâm niên đi tiên phong về thanh long VietGap ở Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “Cũng chưa nói trước được điều gì, nhưng cứ phải trải nghiệm, phải làm thử mới biết nó đến đâu chứ” – ông cười vang bên tách trà buổi sáng.

Bên bộ bàn ghế đá, xung quanh vườn phủ đầy thanh long mướt rượt, người đàn ông ngoài 70 vẫn xuề xòa, chân chất kiểu người nông dân xưa nay bám đất, bám làng để phát triển kinh tế. Ông kể: Khi ông đến nhà người bạn chơi chứng kiến vườn sưa được trồng gần 6 năm nay, chỉ vỏn vẹn 20 cây, nhưng đã có không ít người đến trả gần cả tỷ đồng, thích quá nhưng tính toán mãi, không biết đất đâu mà trồng. Tôi quyết định đi tìm và xuống giống, xen canh với thanh long. Ban đầu, vài trăm cây, sau vài tháng cây xanh non và mướt rượt. Thổ nhưỡng có lẽ hợp với loại cây này, tôi quyết định xuống tiếp tục, vận động các con tham gia trồng sưa xen canh với thanh long” - ông Hiền cho biết.

Với kinh nghiệm làm kinh tế từ những năm 1980 tích lũy được, ông đã truyền ngọn lửa ấy cho các con, đừng sợ thất bại, cứ phải thử nghiệm. Các con ông lần lượt học theo, bắt đầu cuộc hành trình với cây sưa. Người ít nhất cũng hơn 1.000 cây. “Mình già rồi, cũng chẳng trông chờ gì nhiều nhưng biết đâu vài năm nữa, thanh long không còn nuôi sống mình, ít ra mình còn có nó để sống. Vì giá trị kinh tế của loại cây này khá cao”. Theo kinh nghiệm sau một thời gian trồng, nhiều nông dân đã chia sẻ khi trồng sưa biên độ dao động từ 2 – 2,5m cây, không “khó chịu” như thanh long và đỡ tốn thời gian chăm sóc.

Phòng hờ thanh long “tuột giá”

Nông dân là vậy, luôn nghĩ và mạnh dạn đi những bước đầu tiên trong việc phát triển kinh tế. Có nhiều nguyên nhân, người trồng thanh long chuyển sang trồng cây sưa. Chuyện có phần hài hước khi chúng tôi đi thực tế là lâu nay nhiều hộ đã trồng nhưng “ém” thông tin vì sợ bị trộm. Sưa đỏ, như đã nói là một cây trồng mới trên vùng đất Bình Thuận. Nên việc có một số người trồng, nhưng họ giấu kỹ vì sợ bị nhổ trộm! Cũng dễ hiểu, nông dân mà, “chất và chắc lắm”.

Đây là giống gỗ quý, đem lại lợi ích kinh tế cao, giải pháp thay thế hiện nay cho cây thanh long đang dần thất sủng. Hiện tại, vật dụng chúng ta đang sử dụng hàng ngày là những cây bạch đàn, gỗ ghép... chất liệu kém, không có độ bền. Nên cây sưa nếu phát triển trồng mạnh trong diện rộng, dù có biến động thì nó vẫn là gỗ rất quý, sẽ thay thế cho những cây gỗ đang mất dần vì cạn kiệt. Có lẽ, đây là một hướng đi mới của nông dân vùng này.

Phú Hội, vùng đất đang đi đầu trong việc trồng cây sưa giống, như đang có làn gió mới thổi về nơi tận cùng của khô hạn bởi những người từng nếm mật nằm gai với cây thanh long. Anh Lê Văn Phương (Xuân Điền, Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), dẫn tôi đi xem vườn sưa thử nghiệm tròn 1 năm tuổi. “Có người tới trả 1 triệu đồng/cây, nhưng tui không bán. Giờ đang chuẩn bị xuống 400 cây xen canh với thanh long. Cứ làm thử, nông dân mà, quen trồng trọt, có cây mới là cứ phải làm, làm mới có kinh nghiệm”- anh Phương chia sẻ. Ban đầu nghe người ta nói không biết giống ở đâu, sau đó có người quen nhường lại số ít trồng thử, ai ngờ thành công nên “tui thích, tui trồng thêm”. Không chỉ mình trồng, anh Phương còn rủ thêm người cháu trồng thêm, gần 2.000 cây. Anh Phương còn cho biết, nhiều hộ đã trồng nhiều lắm, hy vọng đó sẽ là hướng đi đúng cho bà con nông dân. Ở thôn Phú Nhang, anh Huỳnh Văn Chính cũng đã xen canh gần 1.000 cây vào vườn thanh long đang phát triển rất tốt. “Tôi cũng hiểu đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nên mạnh dạn trồng thử và sắp tới sẽ tính toán xuống cây giống thêm. Biết đâu thanh long “thất thế” thì nó sẽ thay thế” – anh Chính cho biết.

Khi chứng kiến những vườn sưa xen canh, xem cách họ trồng, bảo dưỡng, mời một số người ngồi lại, nghe họ nói, phân tích, nhận xét, theo cách tính đơn giản của người nông dân, đây là cây dễ trồng, vốn ít, công chăm sóc ít, lợi nhuận cao. “Hiện nay, nhiều hộ trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam đã liên hệ mua cây giống để trồng, và tôi nghĩ rằng, người nông dân làm kinh tế, họ có cách tính toán cho riêng mình” – ông Trương Lương – nhà cung cấp giống cây sưa đỏ chia sẻ.

Có thể trồng cây sưa là một bài toán cho tương lai, nhưng đó sẽ là một bài toán cho kết quả mĩ mãn hay không còn tùy thuộc vào nhiều thứ, trong đó phải có những bước tính chắc chắn, từ kinh nghiệm, từ quy trình và cả những kỳ vọng bằng niềm đam mê trồng trọt.

Q.N


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng sưa xen canh