Trăn trở của nông dân về thanh long Vietgap

12/10/2016, 09:58

BT - Chúng tôi đến thăm hộ ông Đào Ngọc Bình thuộc nhóm liên kết thanh long Kim Bình 5 – xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc), được nghe tâm tư của người dân về câu chuyện VietGap. Nhận thấy cần nâng chất lượng của thanh long Bình Thuận, vừa chất lượng, đẹp về mẫu mã và an toàn trong quy trình sản xuất, ông Bình cùng 16 hộ gia đình khác tham gia Tổ hợp tác trồng thanh long theo quy trình VietGap từ năm 2011. Hơn 4 năm trôi qua, các hộ dân trong nhóm vẫn tiếp tục duy trì quy trình này mặc dù còn nhiều khó khăn, nổi bật là tốn nhiều công sức. Nông dân phải trải qua các đợt tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức, sau đó phải phân lô trong canh tác thanh long, đánh số để quản lý, sắp xếp vườn trồng ngăn nắp và khoa học, ghi chép nhật ký sản xuất theo từng công đoạn, thường xuyên làm vệ sinh vườn, bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng quy trình, đúng loại thuốc…

         
   

      

      Hiểu rõ lợi ích của thanh long    theo chuẩn VietGap    nhưng nhiều nông dân đang bất mãn khi giá cả thanh long, tình hình    dịch bệnh diễn biến bất lợi.

Quy định về sản xuất theo GAP nói chung và VietGap nói riêng, yêu cầu bắt buộc phải kiểm soát tất cả các loại hóa chất bao gồm phân bón (phân bón gốc; phân bón qua lá) và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất để bảo đảm thời gian cách ly. “Do đó, vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch thường người sản xuất theo VietGap ít sử dụng chất kích thích sinh trưởng để phun, xịt lên trái, nên mẫu mã có thể sẽ không đẹp bằng sản phẩm không theo VietGap do người sản xuất có thể phun, xịt bất kỳ lúc nào, nhưng xét về mức độ an toàn thực phẩm thì chắc chắn thanh long VietGap sẽ hơn”, ông Đào Ngọc Bình trăn trở giữa bài toán về mẫu mã và an toàn chất lượng sản phẩm.

Hộ ông Lê Văn Tâm thuộc nhóm liên kết cũng ở hoàn cảnh tương tự. Với hơn 1.200 trụ thanh long, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình trong chục năm qua. Do tình hình nấm bệnh, đặc biệt là bệnh đốm nâu nên năng suất trái và lợi nhuận của gia đình từ việc trồng thanh long cũng giảm sút trong những năm qua. Nếu trước đây khoảng 3 năm, ước tính thu hoạch từ 9 đến 10 tấn, nhưng giờ năng suất giảm xuống còn hơn 3 tấn, tức là giảm gần 3 lần. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đốm nâu bùng phát trên diện rộng trong khi thuốc chữa trị bệnh đặc trị loại bệnh này gần như không có. Thuốc đặc trị không có, nên chúng tôi chỉ có thể tăng cường vệ sinh đồng ruộng, cắt cỏ, thu gom cành bệnh nhằm hạn chế tối đa bệnh lây lan trên thanh long. Trời càng mưa nhiều bệnh càng lây lan nhanh. Ông Tâm ngao ngán nói thêm với chúng tôi: “Bà con giờ cần các nhà nghiên cứu thanh long đưa ra những giống mới, có thể chống chọi với bệnh đốm nâu, chứ không là càng ngày thanh long sẽ càng bệnh nặng”.

Một vấn đề cốt yếu nữa là đầu ra của thanh long khi nhiều huyện, nhiều gia đình trồng thanh long theo chuẩn VietGap vẫn bán sản phẩm cho thương lái với giá ngang bằng thanh long sản xuất bình thường. “Điều này  gây bất lợi cho nông dân. Giá cả không cạnh tranh được hàng trôi nổi trên thị trường, không phân biệt được hàng VietGap hay không VietGap khiến người dân ngày một thờ ơ”, nông dân Huỳnh Công Truyền – xã Hàm Hiệp phản ánh. Nói về giá thanh long, nhiều nông dân bất mãn cho biết: “Nếu khoảng vài năm trước, bà con nông dân có thể dự đoán được giá cả thanh long nhưng giờ bất lực, không biết đường nào mà lần. Có lúc mới sáng sớm, giá gần 10 ngàn đồng, giữa trưa giá giảm còn 4 hoặc 5 ngàn đồng. Chúng tôi rất cần những doanh nghiệp có thể bao tiêu sản phẩm được sản xuất theo VietGap, chứ nếu làm một đường, bán một nẻo sẽ càng có nhiều người rời bỏ chương trình VietGAP”.

H.Đ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở của nông dân về thanh long Vietgap