Mô hình VNen: Nhiều trường đang… đuối

12/09/2016, 09:26

BT - Điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không tương xứng với phương pháp học mới, giáo viên tốn quá nhiều thời gian để làm đồ dùng học tập, trang trí lớp học. Trong khi học sinh chưa đủ kỹ năng để tiếp nhận phương pháp mới, còn thiếu tính tự lập, khó thích nghi… Đó là những trở ngại lớn khiến mô hình trường học mới (VNen) đang đứng trước nguy cơ “phá sản”.

         
   

      

         Lớp học VNen ở Trường tiểu học Bắc Phan Thiết.

Chống tái mù chữ… để học VNen

Nằm trong danh sách các trường  đăng ký tổ chức thực hiện mô hình VNen trong năm học này, ngay từ đầu hè, Trường tiểu học Hưng Long 2 (Phan Thiết) phải tiến hành phụ đạo dạy chữ cho học sinh lớp 2. Vốn là trường hầu hết học sinh là con lao động biển, gia đình khó khăn, hơn 70% phụ huynh đều khoán trắng việc học cho nhà trường, nên việc triển khai mô hình VNen gặp rất nhiều trở ngại. Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Phan Thị Thu Hằng chia sẻ: Học sinh ở đây khả năng giao tiếp rất kém, ít được tiếp xúc với bên ngoài, đa số theo mẹ, cha quanh quẩn ở nhà. Phần lớn trẻ ra lớp 1 chưa qua trường mẫu giáo, nên việc đọc thông viết thạo ở lớp 2 còn chưa rành. Do đó, khi triển khai mô hình VNen ở lớp 2, các em rất khó khăn.

Có mặt tại một lớp 2 của trường trong giờ học theo mô hình VNen, mặc dù đã  gần 2 tuần thực học, nhưng nhiều học sinh vẫn chưa thể tự mình viết được những chữ viết ngay ngắn. Lớp học có 35 em, được chia thành 6 nhóm trong diện tích phòng học 42m2 khá chật chội,  cô giáo Trần Thị Mai Thảo phải đi tới đi lui hướng dẫn từng nhóm suốt cả buổi học, không một chút nghỉ ngơi, giọng khan không thể nói thành tiếng. Mặc dù đây là một trong những lớp được xem là học khá nhất khối 2. Theo cô Thảo, học sinh lớp 2 ở đây chưa thể đọc được chữ, viết được từ nên với mô hình trường học mới khá vất vả. Dù trước đó, các em đã có 1 tháng rưỡi hè đến trường để giáo viên dạy chữ, nhằm để các em không quên chữ và tập làm quen học theo mô hình VNen. Cô Hằng cho biết thêm: Với học sinh ở đây, việc tìm được một em học khá, mạnh dạn chút xíu để làm chủ tịch hội đồng tự quản là rất hiếm. Từ đầu hè đến giờ nhắm được vài em, huấn luyện đến nay vẫn chưa thể phân công nhiệm vụ được. Bởi theo vai trò này, đòi hỏi bản thân học sinh phải mạnh dạn, tự tin, điều khiển được các bạn trong lớp. Nhưng ở các em, bản thân chưa tự lo được, huống hồ là điều khiển cả nhóm. Giáo viên phân công dạy lớp VNen cũng phải chọn người có năng lực, chịu khó, tích cực, song đa số các cô đều muốn xin rút tên để dạy theo phương pháp truyền thống. Tuy khó khăn, song năm học này trường cố gắng triển khai VNen cho 6 lớp (lớp 2 và 3) với trên 200 học sinh. Còn ở Trường tiểu học Bắc Phan Thiết tiếp tục thực hiện Vnen năm thứ 3 với 24 lớp. Nhưng theo giáo viên, tổ chức học VNen cho học sinh lớp 2 hiện nay đang rất khó thực hiện, vì giáo viên gần như hỗ trợ hết các em trong quá trình học.

Bỏ tiền túi để dạy VNen

Với 42 trường tiểu học tiếp tục nhân rộng thực hiện VNen ở năm học này, nâng tổng số lên 89 trường toàn tỉnh dạy VNen. Tuy nhiên, đến thời điểm này kinh phí để thực hiện VNen không biết lấy đâu ra. Hầu hết các trường đều tự ứng kinh phí để mua sắm, đầu tư đồ dùng, trang trí lớp học. Theo Sở GD&ĐT, bắt đầu từ năm học này, 15 trường trong dự án VNen triển khai thí điểm không còn được tài trợ kinh phí, đồng nghĩa với việc tự bỏ kinh phí để tiếp tục thực hiện. Được biết, học theo mô hình VNen, ngoài sách giáo khoa  “3 trong 1” với giá mỗi bộ sách cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/bộ so với sách giáo khoa thông thường, mỗi lớp học phải trang bị dụng cụ học tập, kệ để đồ dùng rất nhiều. Ước tính mỗi lớp tốn ít nhất khoảng 7 triệu đồng cho việc sắm sửa, trang trí. Một hiệu trưởng trường tiểu học cho biết, trường không có kinh phí, để triển khai phải vận động phụ huynh đóng góp. Tuy nhiên công văn Sở GD&ĐT không cho quyên góp từ phụ huynh nên trường đang cố gắng xoay xở kinh phí thực hiện. Tạm thời, giáo viên gần như tự bỏ tiền túi để đóng kệ, mua đồ dùng, dụng cụ học tập để trang trí lớp học cho các em.

Thầy Lê Hồng Tuyến – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Kai 2 (Đức Linh) cho biết: Mặc dù mô hình VNen có hơi tốn kém về kinh phí, song với một số ưu điểm  của mô hình nên trường đăng ký thực hiện trong năm học này. Là trường ở địa  bàn nông thôn, điều kiện cơ sở trường lớp còn khó khăn, học sinh chưa quen lắm với cách học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Do vậy trước mắt trường kết hợp song song 2 phương pháp truyền thống và VNen. Tuy nhiên, nếu được thì nên cho thực hiện từ lớp 3 trở lên, học sinh lớp 2 còn quá nhỏ để bắt kịp với cách học này. Đồng thời, sĩ số học sinh cần giảm hơn mới phù hợp với cách học mới, tối thiểu là 25 học sinh/lớp.

Khánh Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình VNen: Nhiều trường đang… đuối