Tăng tuổi nghỉ hưu: Để “cứu quỹ bảo hiểm xã hội”?

19/10/2016, 08:33

BT- Với đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tăng tuổi nghỉ hưu, dự kiến trình Quốc hội năm 2017 nhằm sửa đổi Bộ luật Lao động đã thực sự gây chú ý cho xã hội trong suốt tuần qua. Quy luật tất yếu của con người là sống, làm việc và phải nghỉ hưu khi sức tàn, lực kiệt, chất xám bị bào mòn bởi thời gian.

                
Ảnh minh họa

Theo lý giải của các chuyên gia, tăng tuổi nghỉ hưu (nữ: 55 lên 58 tuổi; nam: 60 lên 62 tuổi) là để ứng phó với việc già hóa dân số và tránh “vỡ quỹ BHXH”. Rõ ràng những nhà hoạch định chính sách đã có sự nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá, phân tích dựa trên cơ sở khoa học lẫn sự tham khảo ở các nước đang phát triển. Thống kê cho thấy, đối với nước ta tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, từ 6,9% năm 1979 lên 10,5% hiện nay, dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam – cơ quan quản lý việc thu BHXH và chi trả lương hưu đang lo lắng chuyện “vỡ quỹ BHXH” sẽ xảy ra trong tương lai gần. Lý giải việc này, BHXH Việt Nam cho biết kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không điều chỉnh thì đến 2037 mức thu, kể cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, còn sau đó phải lấy ngân sách nhà nước bù vào. Cơ quan này cũng cho biết theo công thức tính từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình của lao động Việt Nam là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Hiện nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên 73 tuổi, như vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì đang mất cân đối 6 năm.

Ở góc cạnh trái chiều, nhiều ý kiến không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng nếu nói để cứu quỹ BHXH khỏi vỡ thì chưa thuyết phục. Vì hiện nay bộ máy của cơ quan quản lý cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả, trong khi đó lao động của chúng ta đóng quỹ cao hơn so với các nước trong khu vực. Các ý kiến không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu đa phần ở khối lao động sản xuất trực tiếp. Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hầu hết lao động trong các khu công nghiệp – khu chế xuất đều muốn “nghỉ hưu” ở tầm ngoài 40 tuổi. Bởi theo họ lúc này “chân chậm, mắt mờ, gối mỏi”, nghỉ để tìm công việc mới phù hợp với sức khỏe của mình. Một luồng ý kiến nữa đặt ra câu hỏi mà các cơ quan chức năng sẽ khó giải thích: Hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư đang thất nghiệp tìm việc không được thì tại sao lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành việc thực hiện tinh giản biên chế thì việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu liệu có hợp lý. Còn nếu cho rằng để đội ngũ cán bộ đương chức nghỉ hưu đúng tuổi như hiện nay là lãng phí chất xám, tận dụng họ tiếp tục cống hiến cũng chưa hẳn đúng hoàn toàn. Thực tế đất nước ta thời kỳ nào cũng vậy không hề thiếu nhân tài, có chăng là thiếu trọng dụng mà thôi. Lấy hình ảnh cụ thể của đất nước trong những năm 1945 của thế kỷ trước mới thấy được tầm nhìn, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghỉ hưu ở tuổi nào hợp lý, lộ trình thực hiện ra sao tất nhiên còn phải chờ Quốc hội xem xét, quyết định. Tre già, măng mọc – một quy luật tất yếu đã trường tồn và không thể đi ngược lại xu thế. Chỉ lo những kẻ “tham quyền, cố vị”, cống hiến ít, hưởng lợi lộc nhiều, ắt sẽ mừng vì mình được kéo dài thời gian công tác. 

Như NguyỄn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng tuổi nghỉ hưu: Để “cứu quỹ bảo hiểm xã hội”?