Tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp người khuyết tật

06/10/2016, 08:36

BT - Việt Nam hiện có trên 7 triệu người, trong đó có 3,6 triệu người là nữ và hơn 2 triệu trẻ em khuyết tật. Tỷ lệ người khuyết tật trên tổng dân số chiếm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực châu Á. Bình Thuận là một trong những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nên số lượng người khuyết tật khá cao với trên 29 ngàn người, trong đó có khoảng 8 ngàn người khuyết tật vận động; 3,6 ngàn người khuyết tật nghe, nói; 3 ngàn người khuyết tật nhìn; 4,8 ngàn khuyết tật thần kinh; 5,3 ngàn người khuyết tật trí tuệ và khoảng 4,3 ngàn người khuyết tật khác.

Những năm qua, hoạt động trợ giúp người khuyết tật ngày càng được xã hội quan tâm. Số lượng người khuyết tật được tiếp cận các chính sách trợ giúp ngày càng tăng, hàng triệu người khuyết tật trong cả nước được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, hàng trăm ngàn người được hỗ trợ chỉnh hình phục hồi chức năng, dạy nghề tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế. Riêng tại Bình Thuận có trên 4,9 ngàn người đang hưởng chính sách có công với nước, trên 11,5 ngàn đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, 100% người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hàng ngàn người được phục hồi chức năng, phẫu thuật tim, mắt môi và được cấp phương tiện đi lại…

Tuy nhiên, phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Một số chính sách đối với người khuyết tật như hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề, tìm kiếm việc làm chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng để thực hiện các hoạt động trợ giúp còn hạn chế nên vẫn còn một bộ phận người khuyết tật gặp khó khăn, thất học, không có việc làm, không có nguồn thu nhập để bảo đảm cuộc sống khiến người khuyết tật phải lang thang xin ăn còn nhiều, gây phản cảm xã hội.

Nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền của người khuyết tật được tốt hơn, năm 2007, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2014 phê chuẩn công ước. Mới đây, ngày 21/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1100/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, với mục đích xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công ước, góp phần thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên công ước, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế -  xã hội của Việt Nam.

Để thực hiện tốt kế hoạch của Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, vấn đề cần quan tâm thực hiện là các cơ quan truyền thông cùng với các sở, ngành liên quan, trước hết là ngành lao động TBXH, Tư pháp phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến nội dung công ước và pháp luật về người khuyết tật, trong đó đi sâu tuyên truyền các chính sách trợ giúp, quyền, trách nhiệm của người khuyết tật; giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử với người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em người già, người dân tộc thiểu số. Kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật và bản thân người khuyết tật tự phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Cùng với công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về người khuyết tật như chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; phòng chống thiên tai và hỗ trợ sinh kế; tiếp cận và tham gia giao thông; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và sử dụng công nghệ thông tin & truyền thông; trợ giúp pháp lý; hoạt động văn hóa,  thể thao và du lịch; nâng cao năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật…

Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để thành lập Ban công tác người khuyết tật; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm trợ giúp người khuyết tật; chủ động huy động các nguồn lực xã hội và bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách, chế độ trợ giúp người khuyết tật. Tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật, tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ xã hội, hòa nhập với cộng đồng.

Hồng Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp người khuyết tật