Khắc phục tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai

20/10/2016, 09:07

BT- LTS: Vừa qua, trên địa bàn huyện Bắc Bình mưa to và kéo dài nhiều ngày liên tục gây lũ, làm ngập úng trên diện rộng các xã Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Điền, Phan Rí Thành… gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Để rõ thêm về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ thời gian qua, phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh về vấn đề này!

                
      
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban    chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Ông có thể cho biết về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ những ngày qua trên địa bàn huyện Bắc Bình?

Ông Nguyễn Hùng Tân: Trong 2 ngày 7 và 8/10 vừa qua, trên địa bàn huyện Bắc Bình có mưa to, có nơi mưa rất to. Trên địa bàn xã Bình An và Phan Điền, lượng nước tập trung dồn vào kênh thủy lợi Úy Thay - Đá Giá làm sạt lở mái kênh (khoảng 10 m) và chảy về khu vực xã Phan Hòa, Phan Rí Thành. Mưa lớn khu vực nội đồng kết hợp lượng nước từ thượng nguồn đổ về và lượng nước còn ngập úng chưa tiêu thoát kịp do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 9 và ngày 7/10 vừa qua đã làm ngập lụt trên diện rộng ở 2 xã này. Toàn bộ cánh đồng sản xuất nông nghiệp của các địa phương tại xứ đồng Chà Vầu, Nha Mưng, Tà Bo bị ngập, nước tràn vào khu dân cư gây ngập nhà ở của 800 hộ dân và hư hại nhiều tài sản, công trình thủy lợi trên địa bàn. Đặc biệt, nước lũ tràn qua tuyến quốc lộ 1A với chiều dài  hơn 300m, làm ách tắc giao thông nhiều giờ liền…

Trước tình hình thiên tai như trên, ông có thể cho biết Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan đã chỉ đạo, khắc phục như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Tân:Để đảm bảo an toàn cho người dân và tuyến giao thông quốc lộ 1A (đoạn khu vực cây xăng Cầu Nam) bị ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình và một số đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo công tác chống lũ, ngập lụt trên địa bàn 2 xã Phan Hòa và Phan Rí Thành, hỗ trợ các gia đình bị ngập sâu di dời, sơ tán tránh lũ an toàn. Sau khi nước rút, huy động lực lượng tại chỗ của địa phương giúp các hộ dân dọn dẹp nhà ở, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống. Huy động lực lượng, phương tiện khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương nội đồng để tiêu thoát nước. Về phía địa phương bị thiệt hại, Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Bình đã chủ động phối hợp với UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn thông báo tình hình mưa lũ đến người dân. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở những vùng ven sông hay bị ngập lụt, sạt lở đất. Thông báo cho các hộ dân vùng trọng yếu, vùng trũng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ ngập lụt, lũ quét khi mưa lớn xảy ra đến nơi an toàn. Có phương án điều động lực lượng ứng cứu ở cấp xã và cả địa bàn thôn để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 kể cả thứ bảy, chủ nhật. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn bị ảnh hưởng thông tin cho người dân biết để thăm đồng, chủ động khơi thông hệ thống tiêu thoát lũ nội đồng để nước tiêu thoát nhanh hơn. Kiểm tra hiện trạng ngập lụt, xác minh, đánh giá thiệt hại. Riêng Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang triển khai xử lý sạt lở đường quản lý để phục vụ công tác vận chuyển nông sản và giao thông đi lại trong vùng; đắp các lỗ bể bờ kênh và nạo vét các tuyến kênh để phục vụ công tác tưới…

Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, từ nay đến cuối năm, ông có khuyến cáo gì đối với người dân các địa phương?

Ông Nguyễn Hùng Tân:Hiện nay, Bình Thuận đang bước vào mùa mưa chính, dự báo tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, khả năng phòng, chống các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng dân cư; khắc phục tư tưởng chủ quan. Đặc biệt là tuyên truyền cho ngư dân thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi đi biển. Kiểm tra các công trình dạng kết cấu nhà thép tiền chế, nhà tạm, nhà bán kiên cố để có phương án gia cố. Đối với các công trình, nhà ở có mái dạng tôn, fibro xi măng, ngói cần kịp thời gia cường liên kết mái để giảm thiểu tác động do gió bão. Ngoài ra, việc cần thiết là Sởtài nguyên và Môi trường cần thường xuyên nắm thông tin, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như bãi xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, các khu vực khai thác khoáng sản để chủ động ứng phó khi thời tiết có diễn biến bất thường…

Xin cảm ơn ông!

 KiỀu HẰng (thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai