Giếng xưa và nay ở Bình Thạnh

19/10/2016, 09:19

BT- Bình Thạnh, một xã của huyện Tuy Phong không có sông, suối nên giếng là nguồn nước sinh hoạt duy nhất. Vì vậy Bình Thạnh có nhiều giếng, từ đầu làng cho tới cuối bãi, mới đủ cung cấp nước cho cả làng. Nhờ nguồn nước mạch ngang từ các động cát lớn được gọi là các tiểu sa mạc mà các giếng luôn đầy nước, dùng bao nhiêu cũng không vơi.

                
Giếng Liệc (mũi La Gàn).

Những giếng lớn được dùng nhiều là giếng Truông, giếng Chùa ở đầu làng, giếng Lũy, giếng Quán ở cuối làng, giếng Liệc, giếng Tây ở chân động cát đường đi ra mũi La Gàn… Giếng đầu làng nước ngà gọi là nước hến, các giếng còn lại nước trong thanh; hầu như có thể uống ngay không phải nấu như thói quen từ xưa của người dân. Có một điều đặc biệt là gần như tất cả các giếng đều xây kiểu hình vuông. Vì sao xây giếng vuông? Có người giải thích đây là vùng cát nên muốn xây giếng phải đóng khung vuông bằng gỗ lớn đặt vào lòng giếng trong quá trình đào, sau cùng mới lắp đá, chèn dính bằng vôi vữa. Kiểu đào này giống như ngày nay người ta dùng bi tròn trượt dần dần khi lấy đất đào lên. Tuy nhiên chưa thể kiểm chứng kỹ thuật kiểu đào giếng vuông.

Tôi cùng một người bạn đi tìm dấu vết giếng xưa, anh cho biết người Chăm đã làm giếng vuông gần như nghề truyền thống. Dải đất ven biển miền Trung hầu như ở đâu cũng có giếng vuông, quá phổ biến. Kỹ thuật làm giếng vuông thường dùng gỗ tốt như lim xanh ngâm nước không mục, được phát hiện trong một số giếng các nơi. Người Chăm thường xây giếng đôi, cách nhau không xa, gọi là giếng Ông dành để uống và nấu ăn, còn giếng Bà để tắm giặt, đây là nếp sống văn hóa, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường sống. Ở Bình Thạnh, đi qua khỏi Lăng Vạn sẽ nhìn thấy một đôi giếng, gọi là giếng Liệc và giếng Tây, cách nhau chừng 100 m, gần sát bờ biển, nước đầy và trong vắt, uống rất ngọt. Người dân nói ngày xưa ghe thuyền qua lại, ghé vịnh mũi La Gàn và đến đây lấy nước ngọt. Hẳn là vị nước giếng La Gàn đã từng để lại hương vị ngọt ngào cho những người phương xa khi hành trình trên biển.

Một hai năm trước, hệ thống nước máy của huyện về cấp nước đến từng nhà, người dân đã ít dùng nước giếng hoặc có nơi thôi dùng hẳn. Chúng tôi ghé giếng Lũy cuối làng, giếng này lớn, nơi đây từng là giếng hẹn hò, nhiều trai gái xưa đi gánh nước gặp gỡ nhau mà nên duyên. Cạnh vuông lọt lòng 1,6m, sâu có thể trên 6m. Dưới lòng giếng giờ đã chứa nhiều rác, không còn nhìn thấy bóng nước trong xanh. Hỏi thăm thì bà con xung quanh nói khi “kẹt” nước máy cũng dùng tới nước giếng. Tôi  thầm nghĩ, bà con muốn có lúc dùng thì giếng phải sạch, phải được giữ gìn vệ sinh, làng xóm phải bảo quản nó cho tốt. Nếu không thì nước giếng không dùng được, rác sẽ làm nơi cho muỗi sinh sôi, dịch bệnh phát sinh rất nguy hiểm. Bình Thạnh trước đây từng được xem như vùng của bệnh sốt rét, Viện Nghiên cứu ký sinh trùng sốt rét đã về nhiều lần lấy mẫu, sau đó tổ chức biện pháp phòng chống, tiêu diệt muỗi vằn Anophen gây sốt rét ác tính bảo vệ sức khỏe cho cư dân và du khách. Việc này cần phải quan tâm, vệ sinh môi trường các giếng đảm bảo an toàn. Có thể nên đưa việc làm này vào tiêu chí thôn văn hóa. Ngoài ra, giới thiệu cho du khách tham quan, tìm hiểu giếng vuông ở Bình Thạnh cũng là việc bổ ích và thú vị nét xưa Bình Thạnh.

DƯƠNG NGUYÊN – DUY TRỊNH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giếng xưa và nay ở Bình Thạnh