Thông tư 30 (sửa đổi): Hạn chế đánh đồng trong khen thưởng học sinh

13/09/2016, 09:21

BT - Sau 2 năm với rất nhiều áp lực từ việc đánh giá học sinh không dùng điểm số, cũng như cách thức khen thưởng học sinh chung chung, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gặp nhiều ý kiến trái chiều buộc phải điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, với những sửa đổi mới đang được góp ý rộng rãi, liệu có giảm chút áp lực nào cho giáo viên?

         
   

      

         Một tiết học theo nhóm ở Trường tiểu học Bắc Phan Thiết.

Giáo viên vừa được trao quyền, vừa “nhẹ gánh”

Theo dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ quy định đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số nhưng không yêu cầu hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động sử dụng hình thức nhận xét phù hợp như dùng lời nói, ký hiệu chỉ ra cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng…. Điều này đã làm giảm bớt áp lực của đa số giáo viên đang đứng lớp. Một giáo viên phụ trách bộ môn vẽ tại một trường tiểu học ở TP. Phan Thiết phấn khởi cho biết: Với việc sửa đổi này, giáo viên không phải ghi chép hàng tháng những nhận xét từng học sinh vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục rất tốn thời gian, nhiều khi phải nhận xét qua loa, máy móc. Một lớp 35 học sinh, trung bình mỗi giáo viên phải phụ trách 3 - 4 lớp bộ môn vẽ, thời gian đâu để nhận xét từng em. Với nội dung sửa đổi lần này, giáo viên phần nào giảm bớt thời gian để tập trung cho công việc giảng dạy tốt hơn.

Nhiều giáo viên cho rằng mặc dù quy định không bắt buộc đánh giá hàng tháng, nhưng giáo viên được quyền chủ động việc nhận xét. Có thể nhận xét một nhóm vài em tượng trưng trong lớp, giáo viên có thể tự quyết định khi nào nhận xét bằng lời, khi nào nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp. Sổ theo dõi chất lượng giáo dục trong hồ sơ đánh giá cũng được thay thế bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp, đi kèm với học bạ học sinh. Với việc điều chỉnh này, giáo viên vừa giảm áp lực, vừa được trao quyền thật sự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu vậy thì sẽ không khách quan, buộc giáo viên cần phải có tâm, quản lý học sinh phải chặt, làm sao để học sinh được tiến bộ, tránh lơ là, mà phải theo dõi và giám sát kỹ để giúp các em học tốt, hiểu bài.

Đề cập đến nội dung đánh giá thường xuyên việc học tập, năng lực và phẩm chất học sinh, hầu hết các giáo viên, kể cả cán bộ quản lý các trường đều cho rằng không cần phải đánh giá giữa kỳ mà chỉ đánh giá cuối kỳ. Việc quy định về chuẩn kiến thức, năng lực, phẩm chất theo mức A, B, C là đã rõ hơn trước đây nhưng vẫn còn rất trừu tượng, chung chung. Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn theo định tính, mơ hồ và mâu thuẫn trong việc đánh giá thường xuyên và bài kiểm tra cuối kỳ. Việc khuyến khích phụ huynh học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp, nhiều giáo viên cũng đang lo lắng. Bởi với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu cha mẹ thường khoán hết cho nhà trường. Thậm chí có phụ huynh ít khi xem bài vở, nói gì đến việc giúp đỡ con em mình học tập. 

Giáo viên cần có tâm huyết

Việc khen thưởng ở Thông tư 30 (sửa đổi) được rõ ràng, cụ thể hơn, nhà trường dựa vào các mức quy định để xét khen thưởng dễ dàng hơn, không như trước đây việc khen thưởng học sinh còn mang định tính, đánh đồng nhiều hơn. Tuy nhiên thông tư sửa đổi chỉ đề cập khen thưởng cuối năm học và khen thưởng đột xuất, nội dung này đa số giáo viên không đồng ý. Một hiệu trưởng trường tiểu học vùng sâu huyện Tánh Linh cho biết: Nên khen thưởng vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học để động viên, khích lệ học sinh. Bởi học sinh tiểu học đa phần còn nhỏ, không giống cấp THPT hay sinh viên đại học, việc các em đến trường mỗi ngày là một cố gắng rất lớn. Cần phải có khen thưởng giữa kỳ để các em thấy được thành quả học tập của mình, từ đó tiếp tục phát huy, cố gắng học tốt hơn nữa. Một hiệu trưởng khác cũng cho rằng hội phụ huynh học sinh của các trường đều có đóng góp kinh phí để tổ chức khen thưởng hằng năm, do đó cần phải duy trì khen thưởng cho các em học sinh khá giỏi mới hợp lý.

Chia sẻ về dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi), cô Phan Thị Cúc - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phước 1 (La Gi) cho biết: Nhìn chung, nội dung điều chỉnh được gom gọn lại, giáo viên giảm bớt áp lực, học sinh thoải mái hơn, rất phù hợp với mô hình trường học mới hiện nay. Nếu thực hiện theo sửa đổi, tôi nghĩ sẽ rất hiệu quả trong việc đánh giá chất lượng học sinh. Tuy nhiên đòi hỏi giáo viên phải có tâm huyết và vận dụng thật tốt, phải biết cách linh động trong thực hiện.

Khánh Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tư 30 (sửa đổi): Hạn chế đánh đồng trong khen thưởng học sinh