Khuyến học tỏa sáng nơi quê nghèo

06/10/2016, 09:17

BT - Dẫu đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng cụ ông Trần Văn Tương ở thôn 3, xã Sơn Mỹ (Hàm Tân) vẫn không bao giờ bỏ quên sự học. Hình ảnh, cụ ông nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế năng động hiện nay qua mạng internet với chiếc máy tính xách tay làm khung cảnh quê nghèo Sơn Mỹ như hiện đại hơn, công nghiệp hơn. Với ông, học là để biết, học là để hiểu, học là để làm và học còn để xây dựng kinh tế gia đình, quê hương.

Chính từ những tấm gương hiếu học mẫu mực như cụ ông Trần Văn Tương đã là động lực thúc đẩy sự học luôn tỏa sáng nơi quê nghèo Sơn Mỹ. Trước kia, kinh tế khó khăn, cuộc sống của người dân nơi đây lầm lũi cùng với ánh đèn dầu leo lét, nhưng người dân nơi đây cũng quyết phải cho con em đến trường học chữ. Bởi với họ, đó là con đường quan trọng để thoát nghèo. Thế nên không lạ, khi ở vùng quê nghèo này, lại có đến 70% hộ gia đình được công nhận là gia đình hiếu học và có đến 4 dòng tộc hiếu học với bề dày thành tích đáng ghi nhận như: tộc Phan, tộc Dương, tộc Hoàng và tộc Trần Văn. Ông Hoàng Văn Ngọc – thành viên tộc Hoàng đã cho biết như thế.

Từ hiệu quả mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng tộc hiếu học”, vùng quê Sơn Mỹ đang tiến đến xây dựng xã hội học tập qua mô hình “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”. Theo ông Phan Văn Ngô – Chủ tịch Hội khuyến học xã: Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước nhằm nâng cao kiến thức, tay nghề, kỹ năng sống cho các tầng lớp nhân dân.

Với người dân quê nơi đây, học nhiều sẽ không thừa và với họ học tập suốt đời chính là chìa khóa của sự thành công. 

Văn Phụng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến học tỏa sáng nơi quê nghèo